Chưa nắm rõ quyền và nghĩa vụ của luật sư?

Chưa nắm rõ quyền và nghĩa vụ của luật sư?
TP - Trong nhiều vụ án, các luật sư nhận được giấy triệu tập của tòa mà không khỏi phân vân, bởi họ cảm thấy dường như thẩm phán chưa nắm rõ các quyền và nghĩa vụ của họ.

> Luật sư cần được tôn trọng hơn

Luật sư Phạm Văn Phất bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho kỹ sư Lê Văn Tạch trong vụ án ông Tạch kiện Cty Toyota Việt Nam liên quan đến việc kỷ luật lao động ông Tạch.

Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm - thẩm phán Vũ Quốc Bình (Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh Vĩnh Phúc) gửi giấy triệu tập luật sư Phất đến tham gia phiên tòa, tiêu đề văn bản ghi rõ “Giấy triệu tập đương sự”.

Đương nhiên luật sư Phất không phải là “đương sự” trong vụ kiện này, bởi theo Bộ luật Tố tụng Dân sự, đương sự chỉ gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan trong vụ án.

Những người này được gọi chung là “đương sự”, bởi họ có những quyền và nghĩa vụ trước, trong và sau phiên tòa khá giống nhau, được quy định chung trong một số điều luật.

Còn người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, có thể kể thêm người làm chứng, người giám định, người phiên dịch... có những quyền và nghĩa vụ không giống như đương sự, được quy định trong những điều luật riêng của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Một trường hợp khác. Luật sư Nguyễn Trường Thành bào chữa cho bị cáo Đinh Văn Mười trong vụ án “quan chức đánh cờ tiền tỷ” (tuyên án sơ thẩm hôm nay) nhận được giấy triệu tập yêu cầu có mặt tại trụ sở TAND tỉnh Sóc Trăng để tham gia phiên tòa.

Chuyện đáng bàn, ở phần cuối giấy triệu tập, thẩm phán Hồ Chí Bửu ghi: “Nếu không có mặt theo giấy triệu tập, luật sư có thể ủy quyền cho luật sư khác tham gia bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa”.

Luật sư tham gia phiên tòa với tư cách người bào chữa cho bị cáo phải đáp ứng nhiều điều kiện. Trước hết, luật sư đó phải được bị cáo đồng ý. Tiếp đến, luật sư đó phải được cơ quan tiến hành tố tụng đồng ý, thể hiện qua việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

Tiếp nữa, để thực hiện tốt công việc của mình, trước khi ra tòa, luật sư phải nghiên cứu hồ sơ vụ án, gặp gỡ thân chủ để nắm bắt ý nguyện của họ, từ đó lên kế hoạch tham gia xét hỏi và chuẩn bị luận cứ để trình bày tại tòa...

Với những điều kiện như vậy, dĩ nhiên khi nhận được giấy triệu tập của tòa án, nếu vì lý do khách quan không thể tham gia phiên tòa thì luật sư có thể xin hoãn tòa, hoặc gửi bản luận cứ bào chữa cho bị cáo tới HĐXX (để được công bố tại tòa), chứ không thể ủy quyền cho luật sư khác tham gia phiên tòa thay mình.

Hy vọng với tiến trình cải cách tư pháp, những lỗi kiểu này sẽ ngày càng ít đi, để các luật sư khi tham gia phiên tòa cảm nhận được ngay từ đầu rằng quyền và nghĩa vụ của họ đang được tôn trọng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.