Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Chủ tịch Trung Quốc

TP - Ngày 10/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22. Hai bên trao đổi về phương hướng lớn làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Chủ tịch Trung Quốc ảnh 1

Sáng 10/11, tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp chính thức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: TTXVN

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói rằng, hai bên cần đặt ưu tiên cao cho việc củng cố và không ngừng thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, làm sâu sắc mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, trong đó cần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, thực hiện nghiêm chỉnh những thỏa thuận của lãnh đạo hai Đảng, hai nước để xây dựng quan hệ láng giềng tốt đẹp. 

Chủ tịch nước đề nghị hai bên duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, tăng cường các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, giữa các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước, nhất là trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại cùng có lợi, cân bằng và bền vững. 

Về vấn đề trên biển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh việc hai nước có lập trường khác nhau trong vấn đề biển Đông là một thực tế. Điều quan trọng nhất là hai bên cần thông qua đàm phán, trao đổi chân thành trên cơ sở nhận thức chung và những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Trong quá trình đó, hai bên cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, kiểm soát tốt bất đồng, không để nảy sinh vấn đề mới ảnh hưởng quan hệ hai nước. Trên tinh thần dễ trước khó sau, hai bên cần tích cực triển khai đầy đủ những lĩnh vực hợp tác đã nhất trí, trong đó có việc thúc đẩy đàm phán phân định đi đôi với hợp tác cùng phát triển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc bộ sớm đạt tiến triển thực chất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, phát triển tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam là phương châm nhất quán, không thay đổi của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc; việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng phản hồi tích cực đối với các đề xuất của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới. Đồng thời đề nghị hai bên cần kiên trì tăng cường trao đổi chiến lược, ổn định phương hướng đúng đắn của quan hệ hai nước; đi sâu hợp tác thiết thực, thực hiện cùng có lợi; mở rộng giao lưu nhân văn, củng cố nền tảng xã hội của tình hữu nghị Trung - Việt và giải quyết ổn thỏa bất đồng, tạo môi trường trên biển theo hướng ổn định và hợp tác. 

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, hy vọng hai bên tiếp tục duy trì hợp tác và phối hợp trong cơ chế APEC.

Gặp Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật

Hôm qua tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc song phương với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Indonesia và Thủ tướng Papua New Guinea.

Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai bên trao đổi về phương hướng triển khai quan hệ đối tác toàn diện, trong đó có việc phối hợp tổ chức trao đổi đoàn cấp cao và chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ (1995-2015). Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chủ tịch nước nhấn mạnh, đàm phán TPP đã bước vào giai đoạn then chốt; các nước cần thể hiện quyết tâm chính trị cao và có những linh hoạt cần thiết để có thể kết thúc đàm phán theo đúng lộ trình và bảo đảm TPP là một hiệp định toàn diện, cân bằng, quan tâm thỏa đáng đến lợi ích và thực tiễn phát triển của các thành viên; bày tỏ Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Mỹ và các nước thành viên TPP khác để đạt được mục tiêu này. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Mỹ Obama hứa sẽ thu xếp thăm Việt Nam vào thời điểm thích hợp.

Trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên trao đổi về phương hướng và các biện pháp cụ thể để làm sâu sắc quan hệ; nhất trí duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật trên biển. 

Trong cuộc gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hai nhà lãnh đạo trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD trước năm 2018, tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh - quốc phòng. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trong cuộc gặp Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’neill, hai bên trao đổi về một số biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp, giao lưu giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đàm phán, ký kết các thỏa thuận để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng…

Nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán TPP

Nhân dịp APEC 22, lãnh đạo 12 nước thành viên TPP tham dự cuộc họp cấp cao lần thứ 5 tại Bắc Kinh chiều 10/11, để đánh giá tiến triển và đề ra định hướng thúc đẩy nỗ lực hoàn tất đàm phán. Các nhà lãnh đạo đều đánh giá những tiến bộ đạt được là rất đáng ghi nhận, tạo cơ sở quan trọng để các thành viên đẩy mạnh nỗ lực sớm hoàn tất đàm phán. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh, TPP cần nhằm phục vụ tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và tăng cường năng lực cạnh tranh của các nước thành viên, hướng tới bảo đảm phát triển bền vững. Cuộc họp nhất trí nỗ lực bảo đảm TPP là một liên kết kinh tế mở, sẵn sàng đón nhận sự tham gia của các nền kinh tế trong khu vực. 

Các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung với những định hướng cụ thể để đẩy nhanh tiến trình đàm phán thời gian tới, khẳng định quyết tâm chung sớm hoàn tất một hiệp định toàn diện, cân bằng và tiêu chuẩn cao, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam quyết tâm và sẵn sàng nỗ lực cùng các thành viên để sớm đạt được một hiệp định toàn diện, cân bằng và vì sự phát triển, phản ánh thỏa đáng những quan tâm, lợi ích và thực tiễn phát triển của các thành viên. TPP được đánh giá là một trong những liên kết kinh tế tiềm năng, có quy mô rộng lớn hàng đầu thế giới, đóng góp khoảng 40% GDP thế giới và hơn 30% tổng giá trị thương mại toàn cầu.

Kêu gọi doanh nghiệp APEC hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng

Sáng 10/11, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2014 diễn ra tại Bắc Kinh, với sự tham dự của hơn 1.500 tập đoàn hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được mời tham dự và phát biểu với tư cách khách mời đặc biệt tại phiên họp của Hội nghị về chủ đề “Tăng cường kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, cơ sở hạ tầng và chính sách”. Chủ tịch nước kêu gọi các doanh nghiệp APEC tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt về nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực. Chủ tịch nước nhấn mạnh, các ưu tiên hiện nay của Việt Nam là xây dựng các tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và khu vực tam giác phát triển Campuchia- Lào - Việt Nam, Hành lang kinh tế phía Nam và Hành lang kinh tế Bắc - Nam, cơ sở hạ tầng cảng biển, các khu, điểm du lịch, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu...

MỚI - NÓNG