PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho hay: "Hiện tượng thủy sản chết hàng loạt trên quy mô rộng ở vùng biển ven bờ thường liên quan đến nguồn gây ô nhiễm từ đất liền, nguồn trên biển, từ trên trời rơi xuống và từ lòng đất đưa lên. Cụ thể có thể liên quan đến việc xả thải trực tiếp ra biển từ các hoạt động phát triển trên đất liền; sự cố tràn dầu và tràn hóa chất, thủy triều đỏ liên quan tới bùng phát các loài vi tảo biển gây hại, sự cố hoặc thải có chủ ý đổ thải xuống biển từ hoạt động dầu khí; dòng nhiệt dịch liên quan đến hoạt động địa động lực (nội sinh),…
Phân tích diễn tiến thời gian của hiện tượng, không gian phân bố cá chết dọc vùng biển ven bờ, điều kiện thủy động lực của vùng biển (dòng chảy mạnh ven bờ tây vịnh Bắc Bộ tương ứng độ sâu 20-30m nước) và bằng cách loại trừ, ngay từ đầu tôi đã định hướng xuất phát nguồn gây ô nhiễm nằm ở phía bắc Hà Tĩnh và cụ thể hơn là Vũng Áng.
Chất ô nhiễm có độc tính cao với lượng đáng kể và lan truyền về phía nam theo hướng dòng chảy ven bờ. Nếu biết được chính xác chất gây ô nhiễm, cần tiếp tục xác định khả năng tồn dư và thời gian lưu tồn của nó trong môi trường biển, trên cơ sở đó dự báo khả năng lan truyền chất ô nhiễm để chủ động ứng phó tiếp theo. Một thợ lặn khu vực Formosa đã thiệt mạng do nhiễm độc cũng là dấu hiệu bổ sung để củng cố dự đoán nói trên".
+ Nhiều chuyên gia nghi vấn hệ thống xả thải khổng lồ của Formosa, ông nghĩ sao về điều này?
- Các ý kiến chuyên gia tập trung nghi vấn vào hệ thống xả thải khổng lồ của Formosa là có cơ sở. Sau khi người dân bức xúc tự lặn xuống đáy biển đã phát hiện miệng ống xả thải ra biển. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vội vã cho rằng việc làm đó nằm trong thiết kế và được bộ này cấp phép, mảy may không đề cập đến nó có đáng nghi hay không. Câu chuyện cá chết hàng loạt đã xảy ra cách đây khá lâu (khoảng 20 ngày), môi trường biển có khả năng hòa loãng, hoàn tan, phân tán nhanh và phát tán rộng chất ô nhiễm. Cho nên, trước hết cần ưu tiên cho việc tìm ra chất gây ô nhiễm và nguồn thải của nó; công bố chính thức để người dân không hoang mang, hướng dẫn người dân ổn định sản xuất và cuộc sống; bảo đảm không được ăn và tiêu thụ cá chết, xử lý nghiêm những người trục lợi thu mua cá chết dưới mọi hình thức.
Bên cạnh đó, bằng phương pháp loại trừ để định hướng sớm tìm ra nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường biển này. Huy động lực lượng liên ngành, từ Trung ương xuống địa phương, quyết liệt vào cuộc, thận trọng và có trách nhiệm để kiểm soát và thanh tra các nguồn thải từ khu vực đất liền ven biển Hà Tĩnh và các địa điểm nghi vấn khác ở ven biển khu vực cá chết. Lập hồ sơ kết quả thanh tra các nguồn thải kết hợp với kết quả phân tích mẫu để xác định nguồn phát thải gây ô nhiễm biển.
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Formosa xả thải ra biển có thực sự hợp lý?
- Việc cấp phép cho Formosa xả thải ra biển không thể gọi là hợp lý khi biết chắc nhà máy này sẽ cung cấp một lượng quá lớn chất thải ra môi trường biển, bao gồm nước nóng. Các chuyên gia cho rằng biển và đại dương là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về các nguồn lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu và năng lượng, đặc biệt khi các nguồn như vậy trên đất liền đang cạn kiệt và chậm phục hồi. Vấn đề môi trường biển mang tính "xuyên biên giới", cho nên đây là vấn đề "an ninh phi truyền thống". Các quốc gia có trách nhiệm bảo vệ nguồn vốn tự nhiên biển phong phú và giàu có, không thể đầu độc biển.
+ Cơ quan chức năng có kiểm soát được việc xả thải của Formosa hay không?
- Theo Formosa, họ đang trong giai đoạn thử ‘xúc xạc’ đường ống và hiện nay mới thực hiện cơ chế tự giám sát, đôi khi có mời Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh "chứng kiến". Cách làm này chỉ là kiểu ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’. Thiếu quy trình giám sát mức độ tuân thủ cam kết của Formosa từ phía các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và trung ương.