Chủ tịch Hà Nội: Sẽ phát triển các trục không gian văn hoá dọc bờ sông Hồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hà Nội sẽ phát triển các trục không gian văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng, trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục Tây Hồ Tây - Hồ Tây - Cổ Loa nhằm tổ chức các không gian lễ hội văn hóa, các sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô...

Sáng 8/11, tại lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh truyền đạt chuyên đề: “Tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới - Trao đổi kinh nghiệm thực tiễn” nhằm làm rõ những kết quả nổi bật của Thủ đô trong nhiệm kỳ 2016-2020, năm 2021 và 9 tháng năm 2022 so với giai đoạn trước; phân tích những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân; những bài học kinh nghiệm rút ra.

Theo ông Thanh, thời gian qua, bối cảnh tình hình an ninh, chính trị thế giới và khu vực có nhiều biến động sâu sắc, thay đổi nhanh chóng, khó lường, có những mặt, nội dung vượt xa mọi dự báo thông thường. Mặc dù vậy, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của T.Ư, với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hà Nội: Sẽ phát triển các trục không gian văn hoá dọc bờ sông Hồng ảnh 1

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi tại lớp học. Ảnh: PV

Trong đó, kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng xanh, bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh tăng cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khá cao và cao hơn mức tăng của cả nước; 9 tháng năm 2022 đạt 9,69%, cao nhất trong những năm gần đây.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cũng tập trung phân tích, chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố thời gian tới. Theo đó, Hà Nội sẽ ưu tiên các nguồn lực thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực cơ bản.

Trong đó, về phát triển kinh tế, thành phố sẽ tập trung phát triển đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản, đất đai, khoa học và công nghệ; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên theo cơ chế thị trường để thúc đẩy kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế; tăng cường xã hội hóa đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số thành phần xếp hạng PCI, bãi bỏ các rào cản, tập trung vào việc nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, vốn đầu tư,...

Nhằm phát huy giá trị văn hóa, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, theo ông Thanh, thành phố sẽ phát triển các trục không gian văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng, trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục Tây Hồ Tây - Hồ Tây - Cổ Loa nhằm tổ chức các không gian lễ hội văn hóa, các sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô...

Trước đó, sáng 7/11, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030 với 91 cán bộ chủ chốt các cơ quan thành phố đã được phê duyệt quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030.

Ngay sau lễ khai giảng, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trực tiếp truyền đạt chuyên đề “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị”.

MỚI - NÓNG