“Sao hai con dậy sớm thế? Mệt mỏi cứ nghỉ đi, mẹ chuẩn bị xong đồ ăn sáng sẽ gọi” - bà Dung cất tiếng hỏi. “Mẹ ơi, cứu chúng con với!” – tiếng con trai bà Dung.
Qua lời kể đầy ngượng ngùng và vấp váp của con, bà Dung đã mang máng hình dung ra… một đêm tân hôn vất vả mà hai đứa vừa trải qua. “Con chịu thôi, không sao “vào” được” – con trai bà Dung lo lắng, còn cô con dâu thì sượng sùng lí nhí: “Con cũng không hiểu mình sao nữa. Con có từ chối anh ấy đâu”.
Tuy rằng chuyên ngành là răng - hàm - mặt nhưng cũng là một bác sĩ, bà Dung ngay lập tức đã hiểu ra tính nghiêm trọng của vấn đề. Sáng hôm đó, bà Dung xin phép nghỉ làm để đưa hai con đến chỗ người bạn là bác sĩ phụ khoa.
Sau khi thăm khám, người bạn bà Dung kéo cả ba mẹ con đến trước màn hình máy tính vừa giảng giải, vừa minh họa bằng hình ảnh trực quan. Theo đó, trường hợp không “vào” được của đôi tân lang, tân nương nhà bà Dung đã được y văn ghi nhận, có thể do người phụ nữ bị dị dạng sinh dục khiến một số cơ quan sinh dục bị dính lại với nhau che khuất “lối vào” khiến ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục và sinh đẻ. Y học tiến bộ nên với tình huống này, bác sĩ có thể phẫu thuật tách dính để trả lại cấu tạo bình thường cho bệnh nhân.
“Yên tâm đi, con bạn không bị thế đâu” - thoáng thấy anh mắt lo ngại của bà Dung khi nghe thấy hai từ “phẫu thuật”, người bạn bác sĩ vội trấn an. Theo giảng giải của người bạn, bà Dung biết rằng màng trinh phụ nữ có rất nhiều hình dạng khác nhau như hình tròn nhỏ hay trái xoan, hình nửa vòng tròn, thậm chí là hình lá, hình hoa, hình trái khế, hình bầu dục...
Màng trinh vốn mỏng manh nên hơn 60% trường hợp màng trinh mỏng khi giao hợp lần đầu thì dễ rách và chảy máu. Cá biệt có loại khá dày, giao hợp không được, cần phải nhờ bác sĩ can thiệp cắt rạch màng trinh. “Chỉ là một thủ thuật nhỏ thôi mà, nháy mắt là xong, không đau đớn gì đâu” - người bạn bác sĩ khẳng định.
Ba mẹ con bà Dung đưa nhau về. Dọc đường không ai nói với ai câu nào nhưng trong lòng người nào cũng cảm thấy như đã trút được “gánh nặng” ngàn cân. Bà Dung thì thở phào nhẹ nhõm vì “căn bệnh” của con dâu bà y học đã ghi nhận và chữa trị thành công, còn con trai và con dâu bà Dung thì hiểu rằng đó là lỗi của tạo hóa chứ không phải là “do anh” hay “do em”. Cứ nghĩ lại đêm qua đã khóc lóc, căng thẳng, lo lắng… với nhau cả đêm, tân lang và tân nương lại nhìn nhau tủm tỉm cười.