Ông Lê Việt Trường
Vì thế, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông thể hiện sự chủ động của chúng ta trong việc dự báo tình hình và đưa ra các kịch bản đối phó là hết sức cần thiết.
Gần đây có những diễn biến mới phức tạp ở Biển Đông, nhất là ở bãi Tư Chính. Phải chăng Trung Quốc đang cố ý tạo ra tranh chấp ở khu vực thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam?
Đối với vấn đề Biển Đông, lâu nay chúng ta luôn chủ động trong việc dự báo, cũng như thực hiện các biện pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên lần này tình hình có nhiều điểm mới, phức tạp. Việc Trung Quốc đưa các tàu thăm dò dầu khí vào thềm lục địa nước ta cho thấy những âm mưu mới của Trung Quốc nhằm thôn tính Biển Đông. Bởi những khu vực này thuộc quyền chủ quyền, tài phán quốc gia của chúng ta.
“Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11
Việc các tàu Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Ngoài ra, không loại trừ Trung Quốc đang thực hiện chiến lược gây căng thẳng, tiếp tục thực hiện biện pháp “tằm ăn lá dâu”, “gặm nhấm dần”, cố ý tạo ra tranh chấp ở những vùng biển đang không có tranh chấp. Sau đó lâu dần biến thành sự đã rồi, bước tiếp theo họ sẽ đặt vấn đề gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác và lúc đó họ ở vị trí là người chủ. Vì thế, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông thể hiện sự chủ động của chúng ta trong việc dự báo tình hình và đưa ra các kịch bản đối phó phù hợp.
Trước những diễn biến mới, phức tạp này, theo ông chúng ta cần có biện pháp gì để đấu tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo?
Trong tình hình này chúng ta phải dựa vào tất cả sức mạnh của chính nghĩa. Đấu tranh trên phương diện ngoại giao, lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa trên các diễn đàn song phương, đa phương. Nêu rõ lập trường quan điểm của Việt Nam và cần nói thẳng là “Trung Quốc đã có hành vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”. Thời gian qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng thể hiện thái độ rõ ràng yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta cần phải mạnh mẽ hơn nữa, thường xuyên hơn nữa trong vạch trần hành vi vi phạm của Trung Quốc.
Thứ hai, chúng ta cần tăng cường lực lượng trên biển, để lực lượng ngư dân, các lực lượng dân sự khác cùng tham gia bảo vệ chủ quyền.
Thứ ba, phải củng cố tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ được âm mưu của Trung Quốc. Củng cố lòng tin cho người dân, bảo đảm mọi hoạt động kinh tế trên biển diễn ra bình thường. Chúng ta phải giữ vững tư thế của người nắm giữ chủ quyền, thực thi các biện pháp bảo đảm chủ quyền.
Cảm ơn ông!