Vì sao Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 982 ra biển Đông?

Giàn khoan Hải Dương 982. Ảnh: CCTV.
Giàn khoan Hải Dương 982. Ảnh: CCTV.
TPO - Giàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou 982 (Hải Dương Thạch Du 982), giàn khoan lớn nhất, hiện đại nhất của Trung Quốc, bắt đầu hoạt động trên biển Đông từ hôm 28/9, nhưng việc khai thác dầu thô ở khu vực tranh chấp không hề dễ dàng, báo Hong Kong South China Morning Post mới đây đưa tin.

Giàn khoan Hải Dương 982 đang hoạt động ở các độ sâu khác nhau, lên tới 3.000 mét ở biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách giảm phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài. Giàn khoan này có thể khoan ở độ sâu 5.000 mét, Uỷ ban Chính pháp Trung ương (Trung Quốc) thông báo trên tài khoản mạng xã hội của cơ quan này.

Nhưng tiếp cận, khai thác tài nguyên ở các khu vực “nóng” trên biển Đông không phải việc dễ dàng, các chuyên gia nhận định.

Kể từ năm 2016, Trung Quốc gia tăng thăm dò, khai thác tài nguyên biển, đặc biệt là dầu thô, nhằm giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.

Mối lo ngại về an ninh dầu khí tăng cao hồi tháng trước sau khi chính phủ tuyên bố tăng thuế đối với dầu thô nhập khẩu từ Mỹ trong cuộc chiến thương mại và máy bay không người lái tấn công hai nhà máy lọc dầu lớn của Ả rập Xê út - nguồn cung dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc, sau Nga.

Bắc Kinh yêu sách chủ quyền với hơn 80% diện tích biển Đông - nơi có trữ lượng có thể khai thác 190.000 tỷ feet khối khí tự nhiên và 11 tỷ thùng dầu, được gọi là vịnh Ba Tư thứ hai.

Trung Quốc muốn độc chiếm nguồn tài nguyên khổng lồ và quý giá này nên bị nhiều nước lên án, chỉ trích.

“Dưới đáy biển rộng lớn của biển Đông là 1/3 trữ lượng dầu khí của Trung Quốc”, Uỷ ban Chính pháp ngang ngược tuyên bố trên mạng xã hội. 

Các chuyên gia dầu khí Trung Quốc cho rằng, không dễ khi thác dầu khí ở biển Đông, vì ngoài yếu tố địa chất, khí hậu còn có yếu tố chính trị, ngoại giao, pháp lý.

Haiyang Shiyou 981, giàn khoan nước sâu đầu tiên của Trung Quốc, hoạt động ở biển Đông từ năm 2012. Năm 2014, Trung Quốc đưa Hải Dương 981 vào gần Hoàng Sa (quần đảo của Việt Nam), gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Việt Nam và nhiều nước khác.

Việt Nam theo dõi

Tại cuộc họp báo chiều nay, trước câu hỏi của phóng viên liên quan việc tài khoản mạng xã hội của Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 25/9 thông báo về việc triển khai giàn khoan Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou) 982 tới biển Đông nhưng không cho biết vị trí cụ thể, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết cơ quan chức năng đang theo dõi và xác minh thông tin.

"Việt Nam cho rằng mọi hoạt động ở biển Đông cần tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, trong đó có việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực", bà Hằng nói.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.