Chốt lời diện rộng, chứng khoán lại có phiên tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hôm nay (16/6), VN-Index lao dốc cuối phiên vì áp lực bán dồn dập. Thông tin Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần 4 không "đỡ" được thị trường.

Diễn biến của phiên sáng, chiều mang 2 sắc thái hoàn toàn đối lập. Phiên sáng, thị trường tích cực, trong bối cảnh giới đầu tư đang đồn đoán về đợt giảm lãi suất lần 4 của Ngân hàng Nhà nước. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6.

Đến đầu giờ chiều nay, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo về việc giảm lãi suất điều hành. VN-Index tiếp tục đi lên, hướng mốc 1.130 điểm. Tuy nhiên, thị trường không thể bảo vệ thành quả này, từ mức đỉnh 1.128 điểm, VN-Index bắt đầu tuột dốc. Lực bán càng lúc càng mạnh, nhà đầu tư chốt lời khi chứng khoán đạt đỉnh từ đầu năm. Thêm vào đó, hôm nay là phiên cơ cấu danh mục của một số quỹ ETF (hoán đổi danh mục) ngoại, khiến thị trường xuất hiện biến động mạnh.

VN-Index rơi về mức 1.115 điểm, đóng cửa gần thấp nhất phiên. Nhóm vốn hóa lớn đồng loạt điều chỉnh, kéo chỉ số chính giảm mạnh. VIC, CTG, VHM, GAS, PLX, VPB, GVR, BID, MSN, NVL là những mã giao dịch tiêu cực nhất. Rổ VN30 chìm trong sắc đỏ, với 20 cổ phiếu giảm giá. Trên HoSE, sắc đỏ cũng lấn át ở nhiều nhóm ngành.

Chốt lời diện rộng, chứng khoán lại có phiên tỷ USD ảnh 1

Rổ VN30 chìm trong sắc đỏ.

Cổ phiếu bất động sản khá tiêu cực, NVL, VHM, PDR, KBC, NLG, LDG, KBC ... cùng giảm giá. ITA giảm sàn sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, theo quyết định của HoSE. Nguyên nhân được HoSE đưa ra là do ITA lỗ ròng liên tiếp 2 năm 2021 và 2022, thuộc trường hợp cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát theo quy định.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2021, ITA vẫn báo lãi ròng gần 262 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính kiểm toán 2022, công ty đã điều chỉnh kết quả kinh doanh 2021 với khoản lỗ ròng gần 408 tỷ đồng. Việc điều chỉnh này đã khiến báo cáo tài chính năm 2022 của ITA nhận ý kiến ngoại trừ từ đơn vị kiểm toán. Trước đó, cổ phiếu ITA bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 6/9/2022 do vi phạm quy định công bố thông tin trên 4 lần trong vòng 1 năm.

QCG của Quốc Cường Gia Lai “thoát sàn”, nhưng mức giảm vẫn lên tới 6,7%, đóng cửa gần thấp nhất phiên. QCG đã ghi nhận thanh khoản trở lại, hấp thụ toàn bộ số cổ phiếu nằm sàn. Hơn 5,1 triệu cổ phiếu QCG được sang tay, giá giảm về mức 9.800 đồng/ đơn vị.

Các nhóm thanh khoản cao, có sức ảnh hưởng như ngân hàng, chứng khoán cũng suy yếu. Nỗ lực của VCB không đủ để chặn đà rơi của VN-Index. VCB tiếp tục tăng 1,4% lên 105.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất từ trước đến nay.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,75 điểm (0,16%) xuống 1.115,22 điểm. HNX-Index giảm 1,09 điểm (0,47%) xuống 228,44 điểm. UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (0,08%) lên 84,62 điểm. Thanh khoản tăng vọt, giá trị giao dịch HoSE đạt 22,425 tỷ đồng, trở lại ngưỡng tỷ đô. Khối ngoại bền bỉ mua ròng, gom mạnh VND, HPG, STB, EIB, NLG, SSI...

Theo báo cáo của Chứng khoán SSI, trong kỳ này, FTSE Vietnam Index đã loại NVL và không thêm cổ phiếu nào. Ước tính, FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (FTSE ETF) sẽ bán khoảng 10 triệu cổ phiếu NVL.

Bên cạnh đó, quỹ đầu tư này sẽ cân đối lại tỷ trọng các cổ phiếu trong rổ với tỷ trọng không đáng kể. Thay đổi lớn nhất là việc mua vào 1,95 triệu cổ phiếu HPG và bán 1,4 triệu cổ phiếu VCB. Trong khi đó, MarketVector công bố danh mục cơ cấu quý 2/2023 của MarketVector Vietnam Local Index (MVVNML), chỉ số cơ sở của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), thêm mới EIB và không có cổ phiếu nào bị loại.

MỚI - NÓNG