Việt Nam đã có các biện pháp tương đối mạnh để làm chủ, xử lý việc lạm dụng hiệp định thuế. Ảnh minh họa: Như Ý.
BEPS là hành vi trốn thuế của người nộp thuế, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khoảng trống và những hạn chế trong chính sách thuế tại những nước, nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để chuyển lợi nhuận sang những nước, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn hoặc bằng không. Các kế hoạch này đang ngày càng trở nên phổ biến và được thiết lập thông qua hành vi chuyển giá, thương mại điện tử, vốn mỏng, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, cơ sở thường trú hay “thiên đường” thuế.
Tại FMM 24, ông Sebastian Eckardt, quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết BEPS là một chủ đề quan trọng đối với một đất nước đang hội nhập mạnh mẽ, với nhiều công ty đang hoạt động xuyên biên giới.
Theo Bộ Tài chính Việt Nam, đến nay, BEPS là một vấn đề mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có một giải pháp tổng thể trên cơ sở hợp tác đa phương. Ngăn chặn BEPS bằng các biện pháp đơn phương và song phương như hiện nay không khả thi, do số lượng các công ty đa quốc gia ngày càng tăng, quy mô lớn và giao dịch phức tạp.
Điều này cũng được nhiều nền kinh tế thành viên APEC quan tâm và được các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ mạnh mẽ, nhất là lỗ hổng trong chính sách và cách thức quản lý mà các tổ chức xuyên quốc gia tận dụng để áp dụng chính sách thuế với mỗi nền kinh tế.
“BEPS đặc biệt thiết thực với các nền kinh tế đang phát triển giúp bảo vệ nguồn thu và duy trì, mở rộng cơ sở tính thuế. Việt Nam bị ảnh hưởng nguồn thu chính đáng từ hành vi trốn thuế được thể hiện rõ nhất qua chuyển giá hay các giao dịch qua biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử...” - đại diện Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá.
Từ bối cảnh trên, để chủ động ngăn chặn xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận, Việt Nam đã có các biện pháp tương đối mạnh để làm chủ, xử lý việc lạm dụng hiệp định thuế của Việt Nam với các nước.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Việt Nam sẽ phối hợp với các nền kinh tế APEC trong việc thực hiện BEPS và phải theo các tiêu chuẩn, các chuẩn mực của OECD để cùng triển khai. Trước hết, Việt Nam đã có được văn bản pháp quy rất quan trọng là nghị định của Chính phủ về chống chuyển giá và hiện đang triển khai quyết liệt việc này nhằm mục đích tăng thu cho ngân sách, đồng thời, đảm bảo kinh doanh công bằng giữa các thành phần kinh tế trong nước cũng như thành phần kinh tế nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Đối với ngành thuế, việc triển khai chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận cũng giúp ngành thích ứng kịp thời với những tác động của quá trình hội nhập trên cơ sở đề xuất một số giải pháp về chính sách và quản lý thuế cũng như tăng cường hợp tác hành chính thuế quốc tế với các cơ quan thuế các nước nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi trốn, tránh thuế của người nộp thuế thông qua hành vi chuyển giá, rủi ro thất thu thuế từ các giao dịch qua
biên giới.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam là nơi nhận sự đầu tư nước ngoài lớn nên việc tham gia chương trình hành động BEPS cần có sự hỗ trợ của các tổ chức, đặc biệt là tổ chức OECD là nơi xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về thuế quốc tế.