Cộng đồng APEC cần chung tay gìn giữ hòa bình

Cộng đồng APEC cần chung tay gìn giữ hòa bình
TP - Sáng 21/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính (FMM) APEC 2017.

Thủ tướng nhìn nhận Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đà phục hồi, thương mại, đầu tư, tài chính toàn cầu tiếp tục được cải thiện. Khu vực APEC với những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới và nhiều nền kinh tế phát triển năng động tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng toàn cầu. Mặc dù vậy, APEC vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng và năng suất ở một số nền kinh tế còn thấp. ADB dự báo tăng trưởng thương mại khu vực có dấu hiệu chững lại. Xu hướng bảo hộ, các biện pháp phi thuế có chiều hướng gia tăng. Thêm vào đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với tất cả chúng ta. Thực tiễn cho thấy, không phải mọi thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư. Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều tác động bất lợi đến phát triển của các nền kinh tế.

“Điều đặc biệt lo ngại là khu vực của chúng ta đang tồn tại một số điểm nóng đe dọa môi trường hòa bình, an ninh, ổn định cho phát triển”, Thủ tướng bày tỏ. Những khó khăn, thách thức là rất lớn trong khi các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính còn hạn hẹp. Điều này đòi hỏi sự chung tay của chúng ta, vừa nỗ lực gìn giữ môi trường hòa bình ổn định vừa chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác sáng tạo hiệu quả để cùng phát triển thịnh vượng và bền vững.

Trong thời gian qua, các Bộ trưởng Tài chính APEC đã hợp tác tích cực, hướng tới các mục tiêu về  đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng, thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo và bao trùm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thủ tướng hoan nghênh các Bộ trưởng, trưởng đoàn cùng hợp tác triển khai 4 chủ đề ưu tiên đã thảo luận trong các ngày qua. Đó là tài chính cho cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hình thức hợp tác công-tư (PPP). Hai là chống xói mòn cơ sở thuế và dịch vụ chuyển lợi nhuận nhằm khơi thông các dòng vốn, nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh. Thứ ba là tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai nhằm phòng ngừa và giảm tác động từ thiên tai. Và thứ tư là tài chính bao trùm hướng tới chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị chính sách tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho người dân, các tổ chức doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã, góp phần giảm nghèo, phát triển bao trùm.

“Tôi mong rằng các Bộ trưởng, các vị trưởng đoàn sẽ tiếp tục các nỗ lực hợp tác, phối hợp chính sách và đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt các ưu tiên chính sách, giải quyết những khó khăn, thách thức, hướng tới mục tiêu ổn định hệ thống tài chính, phát triển bền vững và báo cáo lên Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 vào tháng 11 tới”, Thủ tướng phát biểu.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và các hội nghị liên quan khai mạc ngày 19/10 có sự tham dự của 300 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm các bộ trưởng tài chính, lãnh đạo cơ quan tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB và OECD.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.