Tình cũ không rủ cũng đến
Yêu một người nhưng lấy một người, đó là câu chuyện của Mai (24 tuổi, quê Quảng Ngãi). Và như dự báo trước, cuộc hôn nhân của Mai kéo dài chỉ hơn 1 năm thì đổ vỡ. Nhưng Mai may mắn hơn những cô gái khác đó là người yêu cũ vẫn yêu và chờ đợi để đến ngày cả hai người cùng chung đôi, nhìn về một hướng. Câu chuyện tình yêu của Mai đến từ thời sinh viên. Khi đó, cô gái đôi mươi gặp được chàng trai tên Quang (25 tuổi, quê Đà Nẵng) và như có mối nhân duyên từ kiếp trước, Mai và Quang nhanh chóng gắn liền với nhau như sam. Yêu nhau hơn 2 năm thì đến ngày ra trường. Mai về Quảng Ngãi, còn Quang thì ở lại Sài thành mưu sinh. Do không ai chịu nhường ai bởi Mai thì muốn Quang về quê, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, sống cuộc sống an nhàn, gần gũi cha mẹ, còn Quang thì không muốn xa đô thành...
Không cùng quan điểm nên cả hai chia tay dù trong lòng vẫn yêu. Trong lúc Mai đang buồn tủi vì tình yêu thì Thành, người bạn thời cấp 3 tán tỉnh. Mai nhanh chóng ngả vào vòng tay của Thành. Hai người lúc đầu rất tâm đầu, ý hợp, nhà lại trong xã nên chỉ sau nửa năm yêu đương, cả hai làm đám cưới linh đình. Nào ngờ, hạnh phúc kéo dài không bao lâu thì Thành biết về quá khứ của Mai, anh ta không chấp nhận được nên suốt ngày tra khảo, ghen tuông. Nhiều lần nhậu say, anh sỉ nhục, đánh đập khiến Mai tái tê, đau điếng. Những vết bầm tím dần xuất hiện, xấu hổ với bà con lối xóm nên hơn một năm sau chia tay, Mai quyết định đâm đơn ra tòa ly hôn.
Cuộc hôn nhân đổ vỡ chóng vánh khiến Mai như rơi vào vực thẳm. Cô lên đường vào Sài Gòn với lời thề không bao giờ quay lại mảnh đất quê hương thêm lần nữa. Biết chuyện hôn nhân của Mai, Quang lại lần nữa tìm đến an ủi. Khoảng cách lúc đó của Mai và Quang như hai thế giới khác nhau, thế nhưng vì tình yêu, Quang thêm lần nữa theo đuổi cô. Dè chừng và thấy có lỗi với người yêu cũ, Mai nhiều lần khước từ nhưng tình cảm chân thành của Quang đã làm cô thay đổi. Cuối cùng, sau gần 2 năm “yêu lại từ đầu”, và rồi, một lần nữa Mai lên xe hoa và chú rể là người yêu từ thời sinh viên.
Trong khi đó, do không có thời gian tìm hiểu cộng với bản tính rụt rè, Phước (người Kiên Giang) được bố mẹ tìm cho một gái tên Hương, làm kế toán (người cùng quê nhưng gia đình chuyển lên TPHCM sống đã lâu). Phước hơn Hương 2 tuổi lại đồng hương, thuận tiện nhiều đường nên hai người cũng nghe lời tìm hiểu. Đi được chặng đường khoảng 3 tháng thì bố mẹ hai bên giục cưới bởi Hương tuổi cũng đã lớn sợ sinh con ngày càng khó, còn Phước thì năm sau tuổi xấu, không cưới được. Nghĩ lời bố mẹ cũng có lí trong khi cả hai không có nhiều thời gian và điều kiện để tiếp xúc yêu đương, thêm nếp xưa, quen nghĩ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nên cả hai quyết định đi đến hôn nhân. Nghĩ, cưới xong rồi về từ từ yêu… cũng được.
Đám cưới được tổ chức linh đình ở hai nơi, quê nhà và TPHCM để tiện đường cho bà con lối xóm và bạn bè đồng nghiệp. Cưới xong, hai bên nội ngoại hỗ trợ tiền mua chung cư ở quận Thủ Đức để an cư lạc nghiệp, sớm sinh cháu cho ông bà. Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang thì cả hai xảy ra nhiều chuyện lục đục. Hương là người phụ nữ hiện đại, lại con nhà khá giả nên việc nhà không mấy khi làm. Mấy bữa đầu cả hai thường dẫn nhau đi ăn hàng quán. Khi nấu ăn thì phân bì nhau rửa chén, lau nhà... Đã thế cái tôi còn cao, suốt ngày đòi bình đẳng “sao anh không nấu cơm, không rửa chén, không làm việc nhà mà chỉ có mỗi em làm”... khiến Phước nhiều lúc sôi máu.
Mâu thuẫn cá nhân ngày càng cao khi hai người liên tục xảy ra những xích mích này đến mâu thuẫn khác. Nhiều chuyện nhỏ nhặt nhưng không ai chịu nhường ai nên dần dần thành chuyện lớn. Quá áp lực với cuộc sống, rồi chuyện gì phải đến đã đến, từ chuyện ngủ riêng, dần đến ly thân và đến ngày cả hai dắt nhau ra tòa để giải thoát. Cuộc hôn nhân của Phước và Hương chỉ kéo dài hơn 1 năm.
Gần đây, những người đến dự phiên tòa ly hôn giữa anh Tuấn (33 tuổi) và chị Linh (31 tuổi) tại TAND quận 12, TPHCM, đã chứng kiến chuyện dở khóc dở cười. Thường ngày, chị Linh trông coi tiệm tạp hóa nhỏ ở nhà, lo chuyện gia đình. Còn anh Tuấn là nhân viên giao hàng cho một cửa hàng tiện lợi. Tuấn vốn tính trăng hoa, nhiều lần bị vợ bắt quả tang rồi đánh ghen, đòi li dị nhưng Tuấn vẫn chứng nào tật nấy. Chịu hết nổi, Linh đâm đơn ra tòa ly hôn. Tại phiên tòa, Tuấn cúi đầu khúm núm trước những lời buộc tội của… vợ. Nhiều lúc, Linh còn phẫn uất hét lên “hôm nay tôi phải lột mặt nạ ông ra cho mọi người thấy”, khiến tòa phải nhắc nhở, yêu cầu giữ trật tự.
Đến khi tòa yêu cầu anh Tuấn có ý kiến, Tuấn lấm lét, rụt rè, ấp úng: “Vợ tôi lúc nào cũng… đúng, nên vợ bắt tôi ra tòa ly hôn, tôi cũng… phải nghe (?)”. Tòa nói, việc này phải có sự thống nhất và tự nguyện của cả hai người, tại sao vợ bảo sao nghe vậy được? Anh Tuấn thành khẩn, thì từ trước đến giờ, “truyền thống” của hai vợ chồng là vậy, đến nước này cũng vậy thôi. Nghe câu trả lời của Tuấn cả hội đồng xét xử lẫn những người dự phiên tòa ai cũng phì cười. Trước sự cương quyết của Linh, tòa cũng đành phải xử ly hôn cho hai người.
Bước ra ngoài sân, chị Linh đi tìm xe ôm, Tuấn lủi thủi dắt chiếc xe máy “cùi” lẽo đẽo theo sau. Chị Linh chờ hoài không thấy xe ôm bèn kêu Tuấn lại, chửi sa sả rồi bắt anh Tuấn… chở về nhà.
Chuyện chia tài sản cũng là những câu chuyện cười ra nước mắt khi ly hôn. Với những tài sản lớn như nhà, đất thì không nói làm gì, nhưng khi dứt tình, chuyện chia tài sản thành ra chuyện không đáng có, thành ra chuyện… chơi nhau cho bõ ghét, rất lặt vặt. Trong phiên tòa ly hôn ở huyện Cần Giờ, TPHCM có hai vợ chồng đòi chia nhau một… chục đũa. Khi tổ thi hành án cử người xuống nhà của họ để kê biên tài sản, vào bếp tổ thi hành án thấy có bó củi và chai tương ớt thì người vợ nhảy dựng lên đòi chia đôi cả hai. Tổ thi hành án muốn phát khùng vì bó củi chia được còn chai tương ớt rất khó chia vì không có đồ để đựng.
ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, cho biết, sự tan vỡ của một cặp vợ chồng có thể có một cái kết có hậu khi họ đủ bản lĩnh duy trì một tình bạn sau đó. Nhưng, hiếm… Cả hai cũng cần bỏ qua những lợi ích, sự ích kỷ, kiềm chế cái tôi của mình để không có những hành vi, lời nói xúc phạm nhau và dồn hết tình cảm, sự yêu thương dành cho đứa con chung, nếu có.
“Về mặt tâm lý, nhiều người sau ly hôn họ “bơ vơ” thực sự. Nhiều người ly hôn xong không còn nhà để về, và thường là đàn ông. Họ ly hôn và ra đi để nhà lại cho vợ con. Nhưng tệ nhất là sự bơ vơ trong tâm hồn họ. Họ trống rỗng, dễ sa vào rượu chè, cờ bạc. Muốn giữ lửa cho hôn nhân để tạo dựng tổ ấm hạnh phúc, vợ chồng cần tôn trọng nhau, chấp nhận nhau, học cách yêu con người thực sự của nhau, học cách tha thứ cho nhau, học cách sống có trách nhiệm với nhau trong từng lời nói, việc làm”.
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy