Mùa cưới, nói chuyện hợp – tan - Bài 2:

Mong manh vợ chồng thời công nghệ số

Níu giữ khi đã quá muộn. Ảnh: minh họa.
Níu giữ khi đã quá muộn. Ảnh: minh họa.
TP - Lúc mới yêu thì ai cũng dành cho nhau những lời có cánh, dính nhau như hình với bóng. Nhưng cưới nhau, rồi sống với nhau, nhiều cặp đôi trẻ thấy mọi thứ trở nên tồi tê. Đó là tâm sự của nhiều cặp vợ chồng trẻ thời @ mà chúng tôi có dịp trò chuyện. Hãy lắng nghe họ chia sẻ những góc khuất trong đời sống vợ chồng thời công nghệ số.

Khi Smartphone là thủ phạm…

Trưa một ngày giữa tháng 8, ngồi trong căn phòng trọ ở quận 8, chị Nguyễn Mỹ Linh (27 tuổi, quê Vĩnh Long) nước mắt lưng tròng, nghèn nghẹn kể lại những nguyên nhân khiến hạnh phúc gia đình dở dang từ những điều không tưởng.

Chị Linh kể: Năm 2012 chị chân ướt chân ráo lặn lội lên Sài Gòn với mộng đổi đời, kiếm nhiều tiền về phụ cha mẹ ở quê nghèo. Chị không may mắn như nhiều người được học hành đến nơi đến chốn. Trong tay chỉ có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông nên chị bươn chải qua nhiều công việc, nhiều lúc tiền kiếm ra không đủ sống.

Vật vã được gần 2 năm, chị quen và yêu một anh chàng người Sài Gòn. Hai người tìm hiểu và yêu nhau rất thắm thiết. Một thời gian, người yêu đưa chị về ra mắt gia đình. Cũng từ đó, mọi việc nhà của anh cần gì, chị đều đến phụ giúp để lấy lòng người thân bên đó.  “Trời không phụ lòng người. 3 năm sau hai người lấy nhau. Cha mẹ chồng cho căn hộ bên Phú Mỹ Hưng để hai vợ chồng sinh sống. Những tưởng cuộc sống viên mãn nhưng không ngờ…”, chị Linh khựng lại lau nước mắt.

Chị kể lại chỉ mới cưới về mấy tháng sống chung, cả hai đã ít nói chuyện dần. Chồng đi làm theo ca trực nên có hôm làm ngày, hôm làm đêm. Những lúc hai người ở nhà thì anh chồng cứ dán mắt vào chiếc điện thoại di động.  “Hết lên Facebook tán gẫu với bạn bè thì lại chơi game. Lúc ăn cơm cũng cầm điện thoại, kể cả lúc lên giường ngủ cũng chăm chăm dán mắt vào quên cả vợ”, chị Linh nói.

Theo chị Linh, những lúc như thế chị cảm thấy rất cô đơn, khó chịu nhưng nói hoài chồng không thay đổi được. Tưởng như chẳng có gì to tát cả nên rồi thôi. Chị cố kìm nén sống chung với cảm giác bị chồng “bỏ rơi” rồi quen dần.

Mong manh vợ chồng thời công nghệ số ảnh 1 Chị Linh chia sẻ câu chuyện. Ảnh: Việt Văn.

Nhưng nhiều việc cứ ập đến bởi sự tai hại của hội chứng nghiện smartphone. Chị kể, nhiều hôm chồng bật bếp gas nấu nước pha cà phê, mải mê dán mắt vào chiếc điện thoại, khi nước sôi cạn nồi mà chẳng hay biết. Nếu chị không về kịp, căn hộ chắc bị cháy. Rồi chưa kể những lúc tiếp bạn bè của chị, chồng cứ chằm chằm gí mắt vào điện thoại khiến chị bẽ mặt...

Hết cách, chị hù dọa sẽ chuyển ra ngoài ở riêng nhưng ông chồng vẫn vô tư không quan tâm. Nói là làm, chị chuyển ra ngoài thuê căn phòng trọ ở quận 8 để sống một mình, chỉ mong chồng suy nghĩ mà thay đổi thói quen. “Mình đợi hoài cũng không thấy chả nói gì nên rất giận, rất buồn gọi điện về chỉ khóc với má chồng”, chị Linh buồn bã.

Câu chuyện của chị Linh cũng chưa là gì so với trường hợp của anh Nguyễn Lê Hùng (35 tuổi, quê Ninh Thuận), cũng vì chiếc smartphone mà vợ chồng anh rạn nứt, làm đơn ra tòa ly hôn từ mấy tháng nay.

Hai vợ chồng vốn từ tỉnh lẻ lên Sài Gòn lập nghiệp. Năm 2015 cưới nhau ở quê rồi cả hai cùng vào đây thuê nhà trọ ở quận Tân Phú. Vợ anh nhỏ hơn cả chục tuổi nên nhiều lúc anh không theo kịp phong cách sống trẻ của vợ. Hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau chỉ vì chiếc điện thoại. Vợ anh thích selfie cả ngày không chán, miễn lúc nào rảnh là cầm chiếc điện thoại, hết selfie rồi chỉnh sửa ảnh đăng Facebook. Hết cách nói để vợ nghe, anh bực mình dọa sẽ ly dị nhưng cô vợ trẻ cũng không vừa, OK liền càng khiến anh đau xót, tức tưởi. Tất cả cũng chỉ tại cái smartphone.

“Những lúc vui lên “phây” thì không nói gì, lúc hai vợ chồng cãi nhau cũng lên “phây” thêm vào dòng trạng thái này kia nên cả họ nhà mình ai cũng biết chuyện lục đục của hai vợ chồng. Rồi ba mẹ gọi điện hỏi han, nhắc nhở càng khiến bản thân bị stress nặng”, anh Hùng đau khổ nói.

Mong manh vợ chồng thời công nghệ số ảnh 2 Luật sư tư vấn thủ tục pháp lý cho nhiều người cần thủ tục ly hôn. Ảnh: Việt Văn.

Tìm đến luật sư khi bị xúc phạm

Thực tế nhiều cặp vợ chồng trẻ thời @ chia sẻ họ không dung hòa được tính cách của nhau sau một khoảng thời gian về sống chung là chuyện bình thường. Câu chuyện của chị Lê Mỹ Hạnh (19 tuổi, ngụ quận 10) phải tìm đến luật sư để nhờ tư vấn thủ tục ly hôn khi hứng chịu những lời lẽ xúc phạm của ông chồng chỉ mới cưới được hơn nửa năm. Chị kể do gia đình cũng nghèo khó, sống ở Sài Gòn chật vật, kiếm ăn từng ngày nên cha mẹ muốn gả con gái sớm.

Sau khi lấy người chồng là hàng xóm, cả hai ra thuê trọ để sống. Chồng làm nghề tự do, còn chị xin được việc phụ quán cà phê ở quận 11. Mỗi ngày chồng đưa đón chị đi làm. Được mấy tháng thì người chồng sinh ghen tuông vô cớ. Mỗi ngày chị đi làm phụ quán cà phê về thì ông chồng tra khảo đủ điều khiến tâm trạng chị rất nặng nề.

“Đi đâu làm gì, mình cũng phải báo cáo tường tận. Vậy mà hôm vừa rồi, ảnh nói mình đi làm gái. Tui nghe mà giận điếng người, tai lùng bùng chẳng nghe được gì nữa”, chị Hạnh nhớ lại. Những tưởng chỉ là một lần, không ngờ những tháng sau ông chồng cũng tiếp tục buông những lời xúc phạm đến chị. “Ảnh còn nói mình có cái gen làm gái bao của gia đình, chứ nếu không thì giờ tui đã không phải đi phụ quán cà phê, phục vụ mấy ông trong quán”. Chị chua xót và nói: Chỉ có ly dị mới giải thoát cho mình.

Tưởng như câu chuyện của hai vợ chồng anh Đỗ Hoàng Việt (quận 4, TPHCM) sẽ chẳng có gì đáng phải ra tòa ly hôn, nhưng hiện giờ hai vợ chồng phải nhọc nhằn với các thủ tục pháp lý.

Anh Việt cho biết, câu chuyện hai vợ chồng quyết định đi đến ly hôn chỉ vì vấn đề tiền bạc chi tiêu trong gia đình. Không chấp nhận được chuyện người vợ xúc phạm đến chuyện thằng đàn ông không nuôi nổi vợ, thế là anh chấp nhận đề nghị ly hôn của vợ.  Anh kể, ngày trước anh làm ở một công ty nước ngoài lương tháng cũng tầm 20 - 30 triệu đồng. Hai vợ chồng chi tiêu khá thoải mái. Nhưng hơn năm nay, anh chuyển việc về một công ty Việt Nam thì lương giảm đi gần một nửa. Từ đây, việc chi tiêu của hai vợ chồng luôn phải nhìn trước ngó sau mỗi khi quyết định mua sắm thứ gì.

“Trong khi vợ chi tiêu quen tay lại vốn là con gia đình khá giả, nay bị cắt đi một khoản tiền nên bức bối khó chịu. Bả hay cằn nhằn chồng thế này thế kia mà không chia sẻ với mình. Đàn ông có cái sĩ diện của đàn ông nên tui không thể chịu được”, anh Việt buông xuôi...

(Còn nữa)

(Tên nhân vật đã thay đổi)

4 nguyên nhân chính dẫn đến tan vỡ

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên học viện Hành chính Quốc gia TPHCM cho biết, qua thực tế tham vấn tâm lý tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM, tham vấn qua điện thoại, facebook, nhận thấy tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các gia đình trẻ, có tuổi hôn nhân dưới 5 năm.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến người trẻ ly hôn. Theo TS Thúy, tập trung vào 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất là khó chấp nhận sự khác biệt phát hiện sau ngày cưới, hậu quả của việc yêu nhanh cưới nhanh, chưa kịp tìm hiểu nhau, chưa thực sự yêu “con người” bên trong của nhau. Thứ hai là các bạn trẻ coi trọng cái tôi cá nhân hơn hạnh phúc chung của gia đình nhỏ cũng như gia đình lớn. Thứ ba là chồng/vợ ngoại tình và sự khó tha thứ cũng là một lý do ly hôn của các gia đình trẻ. Cuối cùng, một số cặp là do chồng cờ bạc, rượu chè và bạo lực khiến các bạn nữ trẻ nhất là những người có khả năng độc lập tài chính đã quyết tâm ly hôn chứ không chịu đựng chung sống như các thế hệ trước kia.   

                Nguyễn Dũng

MỚI - NÓNG