Chống thất thu thuế trong kinh doanh vàng: Phụ thuộc vào sự 'tự giác'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giá vàng liên tục “nhảy múa”, người dân đổ xô mua vàng với kỳ vọng lướt sóng kiếm lời. Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng lập lờ trong xuất hoá đơn mua bán. Để ngăn thất thu, cơ quan thuế yêu cầu kiểm tra toàn diện đơn vị kinh doanh vàng trên cả nước.

Hóa đơn mua bán vàng- mỗi nơi một kiểu

Anh Lê Tiến (Long Biên, Hà Nội) cho biết, có tiền nhàn rỗi anh thường chọn mua vàng tích luỹ. Khi mua vàng, mỗi doanh nghiệp vàng có hình thức xuất hoá đơn, giấy đảm bảo vàng khác nhau.

Chống thất thu thuế trong kinh doanh vàng: Phụ thuộc vào sự 'tự giác' ảnh 1

Doanh nghiệp vàng cung cấp giấy đảm bảo vàng mà không xuất hóa đơn cho khách hàng khi mua - bán vàng Ảnh: PV

Chống thất thu thuế trong kinh doanh vàng: Phụ thuộc vào sự 'tự giác' ảnh 2

“Tôi mua vàng tại cửa hàng Doji, nhân viên yêu cầu xuất trình giấy tờ tuỳ thân, mã số thuế và gửi kèm hoá đơn. Tuy nhiên, nhiều lần tôi mua bán vàng tại cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu chỉ nhận được giấy đảm bảo vàng. Cty này cũng không nhắc gì tới hoá đơn giá trị gia tăng”, anh Tiến nói.

Nhiều khách hàng khi mua vàng tại Bảo Tín Minh Châu cũng cho biết, chỉ nhận được giấy đảm bảo vàng, không có hoá đơn. Chỉ khi nào khách hàng yêu cầu xuất hoá đơn, để lại thông tin cá nhân, mã số thuế, nhân viên của Bảo Tín Minh Châu mới xuất hoá đơn mua bán vàng.

Theo tìm hiểu, việc xuất hoá đơn theo quy định của cơ quan thuế tại cơ sở kinh doanh vàng mỗi nơi một kiểu. Đa số người dân nhận giấy đảm bảo vàng, mua vàng dựa vào uy tín của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp vàng khi mua - bán với giá trị từ 20 triệu đồng/lần trở lên sẽ thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Tuy nhiên, có doanh nghiệp mua bán vàng thanh toán 50-60 triệu đồng/lần vẫn giao dịch bằng tiền mặt.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngoài đáp ứng điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu 2 loại thuế, gồm: thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Là loại hàng hóa đặc biệt, thuế VAT của hoạt động kinh doanh vàng tính theo phương pháp tính thuế trực tiếp. Theo đó, giá trị gia tăng của hoạt động mua, bán chế tác vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá bán ra trừ đi giá mua vào. Nói cách khác, thuế VAT của hoạt động kinh doanh vàng áp dụng với phần chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra.

Góp ý dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi, nhiều địa phương đề xuất tính thuế VAT theo tỷ lệ % với hoạt động kinh doanh vàng để tránh thất thu thuế. Tiêu biểu như tỉnh Quảng Nam đề xuất ban soạn thảo luật quy định mức tỷ lệ (%) trên doanh thu riêng đối với hoạt động kinh doanh mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý (không áp dụng tỷ lệ của các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ).

Tỉnh Quảng Nam cho rằng, vàng, bạc, đá quý là hàng hóa đặc biệt (vừa là hàng hóa, vừa là phương tiện thanh toán), rất khó kiểm soát giá. Các giao dịch mua bán vàng bạc, đá quý thường nhỏ lẻ, không có đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào. “Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý giữa giá thanh toán bán ra với giá thanh toán mua vào tại một thời điểm mức chênh lệch không cao. Vì vậy, áp dụng phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng thì khó quản lý, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước”, tỉnh Quảng Nam đề xuất.

Trả lời đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, không có cơ sở để đưa ra mức tỷ lệ đối với hoạt động kinh doanh mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý. Bên cạnh đó, doanh thu của hoạt động này rất lớn, theo đó, đề nghị giữ như dự thảo, không thay đổi.

Đang kiểm tra thuế của hoạt động mua bán vàng

Tổng cục Thuế vừa gửi công văn yêu cầu cục thuế địa phương rà soát, kịp thời phát hiện hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý không kê khai thuế, chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế và số liệu kê khai.

Theo đó, cục thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh, đề xuất phương án, phối hợp với sở ban ngành để tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan như công an, quản lý thị trường, ngân hàng, hải quan để giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế.

“Qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Từ đó, cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Tổng cục Thuế yêu cầu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, doanh nghiệp vàng phải thực hiện theo đúng quy định về hoá đơn chứng từ. Khi có hoạt động mua - bán vàng, doanh nghiệp phải xuất hoá đơn theo quy định tại Nghị định 123/2020 về hoá đơn, chứng từ. Trường hợp, doanh nghiệp không xuất hoá đơn, thanh toán tiền mặt lớn không đúng quy định. Người dân, doanh nghiệp phát hiện tình trạng này gửi phản ánh, cơ quan thuế sẽ thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm (nếu có).

“Doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc tự kê khai về hoá đơn, chứng từ, nghĩa vụ nộp thuế. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang yêu cầu đơn vị trực thuộc thanh tra kiểm tra đơn vị kinh doanh vàng trên cả nước. Khi phát hiện sai phạm, cơ quan thuế xử lý nghiêm theo quy định”, Tổng cục Thuế cho biết.

Thời điểm 17h00 ngày 14/3, giá vàng SJC ở mức 79,7 - 81,7 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng/lượng so với trước đó. Giá nhẫn tròn trơn 68,48 - 69,88 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng.

MỚI - NÓNG