Chồng ghi sổ việc chi tiêu của vợ

Anh ấy nắm giữ hết toàn bộ tiền trong nhà vì anh ấy đi làm còn em thì đang đi học. Chi tiêu cái gì cho em, anh ấy đều ghi ra sổ sách. Em cảm thấy mình như một con bé ăn bám.

Vợ chồng em cưới nhau được một năm. Trước lúc cưới, anh ấy nói với em rằng tiền của anh ấy cũng là tiền của nhà anh ấy. Không có sự riêng lẻ. Nếu em chấp nhận được thì hãy cưới. Lúc ấy, em chỉ nghĩ anh ấy ám chỉ tiền chị anh ấy gửi trong tài khoản của anh ấy nên đồng ý cưới. Bây giờ em mới rõ, toàn bộ tiền anh ấy đi làm được dồn vào xây nhà cho chị gái và còn cho em họ anh ấy nữa. Nhiều lúc em cần có vài chục bạc thì anh ấy bảo em phung phí tiền và không muốn đưa.

Mỗi lần sang thăm bố mẹ em, em bảo anh ấy mua ít hoa quả cho ông bà thì anh ấy bảo em chỉ vơ vét về cho nhà em. Trong khi bên gia đình em, có sinh nhật cũng như năm mới em không mua quà, nhưng gia đình anh ấy thì ngày lễ hay sinh nhật em đều mua quà. Ngoài ra, anh ấy làm việc gì cũng không bàn bạc với em mà tự quyết định. Đã nhiều lần em nói với anh ấy điều này nhưng anh ấy không nghe và bây giờ em đang rất tuyệt vọng. Em không biết phải làm thế nào để anh ấy xem em là một phần trong cuộc sống của anh ấy nữa. Em có nên tiếp tục hay nên ngừng lại? Em không thể cứ tiếp tục chấp nhận mà sống cuộc sống như thế này nữa (Hà)

Chồng ghi sổ việc chi tiêu của vợ ảnh 1

Ảnh: thestar.com

Chào bạn!

Tính cách con người được hình thành trong cả một quá trình, từ lúc mới sinh ra qua sự nuôi dạy, học hành, tác động bên ngoài, diễn biến bên trong… và cuối cùng là hành vi cụ thể. Muốn thay đổi một tính cách nguy hiểm của tội phạm các nhà làm luật đã đưa ra mức độ phạt tù cho từng loại tội, mức độ vi phạm… để xét xử bỏ tù, thậm chí là xử bắn. Điều này cho thấy nếu phạm tội nguy hiểm ở mức độ nặng thì phải tăng án giam giữ để đủ thời gian thay đổi tính cách của họ, thế mà có những người chỉ ra tù được ít ngày lại phạm tội trở lại. Điều này cho thấy làm thay đổi tính cách con người không dễ.

Đối với bạn, “trước lúc cưới, anh ấy nói với bạn rằng tiền của anh ấy cũng là tiền của nhà anh ấy, không có sự riêng lẻ”. Điều này anh ấy đã nói thật về tính cách của mình, thậm chí thách đố “nếu chấp nhận được thì hãy cưới”, vậy mà bạn vẫn cứ cưới, chỉ vì “nghĩ anh ấy ám chỉ tiền chị anh ấy gửi trong tài khoản của anh ấy”. Đây là một sự suy nghĩ sai lầm về bản chất; mà bất cứ sự sai lầm nào đều dẫn đến cái giá phải trả.

Anh ấy là người có tính cách không tin người ngoài dù là vợ mình, chỉ tin người nhà dù người nhà mình có phần sai thì vẫn tin. Những người có tính cách này nếu biết cách để họ tin thì mọi sự trở nên dễ dàng, còn nếu họ không tin thì họ nghi ngờ nhiều lắm. Cái khó của bạn là “anh ấy nắm giữ hết toàn bộ tiền trong nhà vì anh ấy đi làm còn bạn thì đang đi học”. Một người có tính cách nghi ngờ và sợ thiệt vào quyền lợi của mình thì họ luôn luôn “ghi ra sổ sách” như là một món nợ. Còn “bạn cảm thấy mình như một con bé ăn bám” thì đây là một suy nghĩ sai lầm. Bạn đang đi học nên chưa làm ra tiền thì chồng nuôi là việc bình thường. Nếu bạn nghĩ rằng anh ấy cũng vất vả kiếm tiền để lo cho chị, em họ và nuôi mình thì đây là người tốt, lúc đó bạn hoàn toàn thanh thản đi học. Còn việc lo cho cha mẹ mình thì cứ từ từ, để khi nào mình học xong, đi làm, có tiền, lúc đấy lo đâu có muộn.

Bạn hỏi “em có nên tiếp tục hay nên ngừng lại?” nhưng bạn lại nói “em không thể cứ tiếp tục chấp nhận mà sống cuộc sống như thế này nữa” thì cũng có nghĩa là bạn đã nghĩ đến chia tay. Nếu bạn tiếp tục thì bạn phải chấp nhận “là người ăn bám để đi học” và phải chấp nhận “ta chưa làm ra tiền thì ta không có quyền tiêu tiền”, nếu anh ấy giúp ta được cái gì thì tốt còn không thì ta cố gắng sống để đi học cho xong, rồi làm ra tiền lúc đó tính. Anh ấy có cái xấu là “bủn xỉn” với vợ nhưng không phải là người xấu vì không cờ bạc, nghiện ngập… thế cũng là hay rồi.

Chúc bạn thành công.

GS.TS. Vũ Gia Hiền
Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TP HCM

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG