Khi doanh nghiệp nội, ngoại bắt tay chuyển giá - Bài cuối:

Chống chuyển giá yếu vì thiếu quyền

Một góc khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Hà Nội, nơi có nhiều DN FDI. Ảnh: Ngọc Châu
Một góc khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Hà Nội, nơi có nhiều DN FDI. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Đại diện Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cho rằng, việc chống chuyển giá ở các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không hề đơn giản. Bên cạnh những điều tiếng này nọ, việc chống chuyển giá yếu do cơ quan thuế thiếu quyền trong khi luật còn nhiều lỗ hổng.

DN nội cũng bắt tay chuyển giá

Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ Trưởng - Phó Trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), tình trạng chuyển giá xuất hiện do các DN FDI lợi dụng chính sách thông thoáng về thu hút đầu tư của Việt Nam theo hướng phát huy lợi thế so sánh về tài nguyên, thiên nhiên, đất đai và nguồn nhân lực dồi dào.

Báo cáo mới nhất của ngành thuế gửi Bộ Tài chính cho thấy, tại Việt Nam hành vi chuyển giá diễn ra không chỉ tại các DN FDI, mà bắt đầu xuất hiện tại nhiều DN nội. Thậm chí, hoạt động chuyển giá còn được phát hiện tại các tập đoàn kinh tế.

Các tập đoàn kinh tế này, lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, thành lập một số Cty con hoạt động trong những lĩnh vực và địa bàn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Bước tiếp theo, DN tìm cách chuyển lợi nhuận trước thuế từ đơn vị không được ưu đãi thuế sang DN liên kết được ưu đãi thuế; chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN có lãi sang bị lỗ (thông qua giá chuyển giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ). Với “chiêu” này, các tập đoàn kinh tế được giảm thiểu nghĩa vụ thuế.

Ông Tiến cho biết, mới đây, từ kết quả thanh tra riêng nội dung về giá giao dịch liên kết tại một DN FDI, đã giúp điều chỉnh giảm toàn bộ số lỗ phát sinh từ năm 2006 đến năm 2009 và số lỗ đã chuyển 56,4 triệu USD (tương đương 956 tỷ đồng).

Qua thanh tra, cơ quan chức năng đã tăng thu nhập tính thuế TNDN phát sinh từ năm 2006 đến năm 2010 đối với đơn vị này lên 22,7 triệu USD (tương đương 396 tỷ đồng). Cùng đó, DN phải nộp số thuế TNDN phát sinh giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010 là 78 tỷ đồng. “Đến nay, ngành thuế đã quản lý được 3.188 DN có giao dịch liên kết thực hiện kê khai thông tin giao dịch liên kết”, ông Tiến cho biết.

Thiếu luật

Trao đổi với PV Tiền Phong, một Thứ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, tình trạng chuyển giá hiện đang rất phức tạp. Nếu làm mạnh tay quá, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường đầu tư. Không ít trường hợp DN thuê cả tư vấn thuế, kiểm toán quốc tế để thực hiện hoạt động chuyển giá tại Việt Nam. Có những hình thức chuyển giá mới cực kỳ tinh vi đã được áp dụng tại các nước nay cũng bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.

“Chúng tôi đang tiến hành điều tra hoạt động chuyển giá của một DN Hàn Quốc. DN này kê khai hoạt động dịch vụ gia công nhập dữ liệu. Với mức lương trả cho nhân viên chỉ vài triệu đồng/tháng (chủ yếu là sinh viên mới ra trường), DN này ký hợp đồng với các DN lớn trên toàn cầu để làm gia công dữ liệu với số tiền rất lớn. Chúng tôi đang phải tham vấn nhiều cơ quan khác nhau do hoạt động nghi chuyển giá này rất tinh vi và khép kín. Đây là hình thức chuyển giá hoàn toàn mới”, vị này cho biết.

Cũng theo vị này, trong tổng số trên 120 nghìn cuộc thanh kiểm tra do ngành thuế thực hiện từ trước đến nay, ngành thuế đã kiến nghị thu trên 8.400 tỷ đồng cho ngân sách. Co một bộ phận DN thực hiện chuyển giá nhưng cơ quan chức năng chưa bóc tách được các hoạt động này. “Với những DN FDI lớn, chúng tôi phải làm hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, đề phòng bị tố ngược gây khó dễ cho DN. Khi tập trung làm mạnh hoạt động chống chuyển giá, số thuế nộp của các DN FDI đã tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước”, vị này nói.

Theo đại diện Bộ Tài chính, hoạt động chống chuyển giá đang có nhiều lỗ hổng cả về cơ chế chính sách cũng như con người. Khó khăn nữa do việc chống chuyển giá chính là việc nhiều DN đã thuê các Cty tư vấn và Cty kiểm toán tên tuổi quốc tế tư vấn các hình thức thực hiện giá chuyển nhượng. 

Việc chống chuyển giá gặp khó cũng một phần do các hoạt động được thực hiện phân tán và lồng ghép với các chức năng quản lý thuế khác, do đó tính chuyên môn hóa chưa cao. Hơn nữa, đại đa số công chức quản lý thuế hiện nay chưa đáp ứng được các điều kiện nêu trên, dẫn tới hiệu quả của công tác quản lý hoạt động chuyển giá chưa cao.

“Đấu tranh với các cơ quan kiểm toán quốc tế không hề đơn giản. Chúng tôi phải làm việc với cả những DN trong nước tiếp tay cho các hoạt động chuyển giá. Chúng tôi cũng rất “cú” khi các DN “ăn” ngay trước mắt mình.

Yếu do... thiếu quyền

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, hiện chưa có quy định riêng về thời hạn thanh tra đối với hoạt động chuyển giá. Cùng đó, chưa có quy định chế tài xử lý đủ mạnh đảm bảo tính răn đe đối với những DN có hành vi chuyển giá. Do đặc thù của thanh tra giá chuyển nhượng đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian để thu thập thông tin, phân tích, đối chiếu và kiểm tra số liệu (đa số các nước trên thế giới, thời gian để tiến hành một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng kéo dài trên 1 năm). 

Trong khi thời hạn cho một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng tại Việt Nam rất ngắn (bị giới hạn bởi quy định tại Luật Thanh tra) dẫn tới không đủ thời gian để thực hiện các công việc cần thiết trong quá trình thanh tra. “Hiện quyền hạn của cơ quan thuế bị giới hạn (chưa có quyền điều tra…), do đó khó khăn trong quá trình xử lý các vụ việc cố tình vi phạm chuyển giá nhằm tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế”, ông Nam cho biết.

Kết quả đợt thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng tại 122 DN FDI tại 23 địa phương trên cả nước (giai đoạn từ 2007-2012) của ngành thuế năm 2013 đã lật tẩy hoạt động chuyển giá tại 122 DN. Nhiều DN sau thanh kiểm tra, đã từ lỗ biến thành lãi, từ lãi ít chuyển sang lãi nhiều, lãi lớn. Các DN này đã buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ tổng số tiền là 2.252 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG