Thi chim
Sau tết, các cuộc thi “tiếng hót chim chào mào” lần lượt được tổ chức ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Chim nhiều, giải to, dân chúng hớn hở vừa ngắm vừa bình, xôn xao nói cười gợi cảm giác đất nước quá đỗi yên vui.
Mới đây, kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng Buôn Ma Thuột, hội thi chào mào phố núi thu hút tới 528 ca sĩ chim đến từ 40 tỉnh thành. Gọi tài trợ cho giải thi chim khá dễ. Những chú chim chưa bằng nửa nắm tay líu lo một hồi, chủ của nó đã rinh về cơ man giải thưởng đủ loại : cám chim, cối giã cám, ấm đun siêu tốc, nồi cơm điện, quạt điện, máy tính bảng, ti vi, máy giặt, xe máy, cúp vàng… Quà cho giải nhất hót hay trị giá 45 triệu đồng. Còn chú chào mào Bông trắng đẹp nhất hội, thường trú ở thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) thì giới sành chim mách: trả một trăm triệu, chủ nó vẫn khư khư ôm chim về! Một giám khảo tiết lộ: Con chào mào đắt nhất nước tên Nữ hoàng đầu như tuyết trắng, hiện thuộc sở hữu của chú P. công tác trong ngành thanh tra, sống ở Hà Nội, đáng giá trên 300 triệu đồng.
Người tài trợ chiếc cúp mạ vàng cho hội thi là doanh nhân Wuttara Therdsakul sinh năm 1975, lấy vợ Việt, chủ một Cty chuyên sản xuất thức ăn cho tôm nuôi ở quận 10, TPHCM, đang sở hữu 43 chim chào mào, trong đó chú chim xám toàn thân năm 2013 đã đoạt giải chim đẹp cúp Vua Thái Lan. Anh khen trình độ chơi chim ở Việt Nam khá quá, tuy… chưa bằng bên Thái! Therdsakul hào hứng kể: Chim đột biến tuyền màu rất hiếm, nên khi vừa nhìn thấy nó ở Nam Định, em mê ngay, chốt giá 55 triệu đồng mua liền. Chăm bẵm, luyện bài suốt 3 năm mới tung ra thi chim cấp quốc gia. Phong trào chơi chim Thái Lan mạnh lắm, nhưng cả nước cũng chỉ tuyển được 37 thí sinh tuyền màu. Chim em vô địch, lập tức có người trả giá 30.000 đô Mỹ. Tất nhiên em không bán! Nhờ chơi chim, đến đâu em cũng có bạn, cuộc sống vui vẻ tưng bừng!
Chim trong vườn… gấu
Trong 2 thập niên làm báo, tôi đã nhiều lần có dịp đi bộ xuyên rừng qua vùng lõi hàng chục Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên từ Nam ra Bắc. Chỉ khi lạc bước vào vườn chim - những địa chỉ hiếm hoi thân thiện mà chim tin cậy tự đến nhân bầy, mới thấy chim trời chao chát tấp nập. Còn lại, trước quốc nạn “con gì lưng quay lên trời đều chén tất”, hầu hết các cánh rừng nồng mùi dân nhậu đều vắng hẳn bóng chim cò.
Chích chòe lửa đuôi dài hót hay
Lần đến Vườn Quốc gia Chư Mom Ray nằm ở ngã ba Đông Dương cách đây hơn chục năm, được lội rừng với tiến sĩ sinh học Nguyễn Ngọc Chính - một người yêu rừng hiếm có, tôi đã được ông say sưa giới thiệu nơi đây có quá nhiều loại tài nguyên sinh vật quý hiếm đủ để triển khai dự án đầu tư xây dựng một khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã lớn mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, những quãng rừng rậm rạp chúng tôi qua, thú đâu chẳng thấy, chỉ đụng đầu nhiều nhóm thợ săn và những tay ná chuyên bắn chim. Cuối ngày, về phố Kon Tum, vào nhà hàng đọc menu thịt rừng đủ loại, chim đủ món, tiến sĩ chạnh lòng buông đũa. Gần đây ghé qua chốn cũ, ôi thôi chim thú đều cạn nguồn, còn mỗi món cầy tơ!
Thật ra bây giờ về phố, nếu có thổ công hướng dẫn, dễ được ngắm nhiều loài chim hơn vào rừng. Ngoài vài cánh chim chưa dính bẫy hay mới sổng chuồng dáo dác chuyền cành trên hàng cây ven đường hay trong hoa viên, còn lại loại chim nào cũng vào lồng, chỉ khác ở chỗ lồng to hay bé, nuôi chơi trong nhà hay bày bán bên đường mà thôi.
Trịnh Đình Kiên cho biết: Nhân giống loài nào cũng khó, nhưng chích chòe đòi hỏi môi trường tĩnh lặng phải có nhiều cây và mặt nước rộng hơn, chào mào sống chật hơn một chút cũng được. Chích chòe mỗi năm chỉ đẻ được 4 lượt, mỗi lượt 4 trứng, trong khi chào mào có thể đẻ tới 10 lứa, mỗi lứa 2-3 trứng, tỷ lệ nở thành công trên 95%.
Gần hồ Ea Kao ngoại thành Buôn Ma Thuột có một lão nông khá giả, tuổi thất tuần khoái chơi chim, được trẻ em quanh vùng yêu quý gọi là… ông Gấu, vì ông vui tính, lại có nuôi cả 2 con gấu sau khi hoàn tất thủ tục cẩn thận với kiểm lâm. Kiểu chơi chim của ông cánh trẻ khó mà theo nổi. Mảnh vườn sau nhà được ông vây lưới mắt cáo toàn bộ.
Chim công trong vườn ông Gấu
Trong tòa lồng khổng lồ đó, chuồng gấu đặt gọn một góc, cả không gian rộng lớn còn lại luôn phần phật tiếng vỗ cánh, tiếng grừ grừ, tiếng hót véo von thánh thót của hàng chục loại chim. Loài nhỏ có chào mào, sáo, vẹt, yến, oanh, loài lớn có đại bàng, trĩ, hồng hoàng và mấy đôi công thi thoảng nổi hứng xòe đuôi múa tuyệt vời lộng lẫy.
Thỉnh thoảng cuối tuần tôi điện trước xin phép ông cho các cháu nhỏ đến chơi, thay vì phải… xuống tận Sài Gòn mới được xem Sở Thú. Các cháu đến, cho gấu ăn chuối xong ra vườn chơi với chim. Trong khi đó, ông rải thóc, giăng lưới ngồi canh chim trời thường luồn qua mắt lưới nhỏ sà vào vườn ăn ké thóc của chim nuôi. Chỉ vài mẻ sập, ông đã khéo léo lùa được cả bốn năm chục chú chim se sẻ ham vui vào rọ. Ông cháu chơi chim đã rồi vào nhà mở karaoke ca hát vang lừng, chờ chị bếp trổ tài thổi xôi, rán chim, nấu cháo.
Nuôi chim sinh sản
Trịnh Đình Kiên năm nay 33 tuổi, thâm niên 20 năm chơi chim, là một trong số ít tay chơi sớm nghĩ đến việc cần phải nuôi chim sinh sản để bảo vệ chim khỏi tuyệt chủng, và đã có thu nhập khá với nghề này.
Trong khuôn viên lô thổ cư rộng 400 m2 ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, vợ chồng Kiên dành 100m2 làm chuồng lưới có cây xanh, bóng mát cho chim chuyền cành, đẻ, ấp, chăm con. Trước đây Kiên đã nuôi sinh sản thành công cả 2 loài chích chòe lửa và chào mào. Nhưng dần dà cả huyện Lâm Hà chẳng còn ai chơi chích chòe, Kiên bán trọn ổ chích chòe cả bố mẹ lẫn con non cho một bạn nghiện chim khác ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhắc tới chuyện này, Kiên tiếc hùi hụi vì theo anh, chích chòe lửa hót hay, đuôi dài đẹp hơn chào mào nhiều. Chỉ do loài này trong thiên nhiên hiếm quá, ít người chơi được, nên phong trào chơi chào mào mới ngày càng lấn át, lan rộng.
“Cuộc sống của tôi gắn liền với con chim. Tôi mê chim từ bé. Hồi ngoài Bắc, tôi thường theo chú ra đồng bắt chim, chọn chim hay để nuôi, mê chim tới nỗi bỏ học sớm để đi buôn chim. Vùng kinh tế mới Lâm Hà còn rừng, nhiều chim, càng có điều kiện để chơi. Chọn vợ tôi cũng tìm người cùng sở thích mới dám lấy để tha hồ quanh quẩn bên chim mà không bị vợ cằn nhằn!”.
Lồng nuôi mỗi đôi chim chào mào bố mẹ do Kiên thiết kế có chiều cao 2m, rộng 2m, dài 3m, giữa mỗi lồng đều trồng cây sanh, cây si, có mái che, bảo đảm đủ các trạng thái tự nhiên nắng, mưa, gió, nước. Khi chim trưởng thành, Kiên thả rác vào, gắn bệ lên chạc cây để chim tự cuốn tổ. Nhờ có mái che nên tổ chim không bị hỏng, được đôi chim tận dụng đẻ liên tục cả chục lần, chỉ cần tự gia cố lại trước mỗi đợt đẻ mới. Trứng ấp cỡ 2 tuần là nở. Tròn tuần tuổi chim non đã chấp chới tập bay, sà xuống khay uống nước. Vài ngày sau chim mẹ lại đẻ rồi ấp, con nằm hai bên mẹ chiu chít tập hót, rất đáng yêu…
Mỗi đôi chim 2 tuổi bắt đầu sinh sản, Kiên bán 5 triệu đồng mà không đủ cung cấp. Bằng nghề tạo sinh vật cảnh, nuôi chim đẻ, làm lồng chim, mỗi năm vợ chồng Kiên vừa thỏa thích chơi chim vừa có thu nhập hơn trăm triệu.
Phố núi bây giờ mọc ra nhiều trường chim. Thực chất đó là những quán cà phê tụ tập những chàng mê chim hơn thích đi làm, khách hàng 100% là giới mày râu. Sáng sáng xách lồng tới gọi cà phê, ngắm chim nhau rồi cá độ chim hót, chim đá, mỗi ván vài chục nghìn. Chị bạn tôi mới đây tâm sự chắc phải ly dị chồng là tín đồ một trong những trường chim đó. Chị vừa khóc vừa kể: Gánh nặng gia đình lão trút lên vai mình, mình chấp nhận vì nghĩ thôi thà lão mê chim còn hơn mê gái hay rượu chè cờ bạc. Mỗi ngày mình đều cấp cho lão cả trăm nghìn mua cào cào châu chấu nhập từ Tây Ninh lên cho chim ăn, rồi tiền cà phê, cá độ. Ai ngờ lão ngày càng quá đáng đến mức suốt ngày ngắm chim, ôm chim, tắm chim, thậm chí hôn chim chứ không thèm hôn vợ, thì vợ nào mà chịu cho nổi ?