Thành - SV ĐH Kiến trúc Đà Nẵng chia sẻ bữa ăn và phòng trọ của mình cho 4 lồng chim. Ảnh: T.H. |
Nhịn ăn chơi chim
Thành - sinh viên ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, nói, từ nhỏ đã mê nuôi chim. Nuôi từ thời học cấp 2 cho đến giờ. Hiện Thành có 4 con chim chào mào, trong đó một con chào mào Sông Côn và một con Trung Mang, còn lại 2 chào mào Bông Huế. “Sinh viên làm gì ra tiền hả anh. Tiền bố mẹ gửi hàng tháng, em bớt tiền ăn để nuôi chim” - Thành nói.
Nguyễn Ngọc Nam - sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng, mới mua được con chim chào mào Trung Mang ở Quảng Nam giá 700 ngàn đồng. Mua được chim quý thì tiền đi dạy kèm thêm tháng trước coi như bay biến!
Dãy trọ của anh Nguyễn Văn Hiền trên đường Nguyễn Khuyến (quận Liên Chiểu), gần như đều nuôi chim chào mào. Sinh viên nuôi chim chào mào theo phong trào. Anh Hiền chủ trọ cũng có 2 con chào mào Trung Mang. Anh và các sinh viên ở dãy trọ thường thi đá chim, bên nào thua phải mua nước cho cả xóm trọ giải khát.
Tuy tự nhận mình không phải là người “trong nghề” chơi chim, nhưng Phạm Tuân - sinh viên ĐH Sư phạm cũng tỏ ra hào hứng: Dãy trọ mình ở có anh Ngọc, sinh viên Bách khoa, mới ra trường đang kiếm việc làm cũng có một con chào mào Bông Huế. Mỗi sáng anh cho chim ăn, cả xóm trọ bu quanh, xem chim ăn mà thấy thích. Tuân cũng đang nhờ anh Ngọc tư vấn để mua một con chim nuôi cho… vui cửa vui nhà.
Lắm công phu
Miền Trung có nhiều giống chào mào: Sông Côn, Trung Mang (Quảng Nam), Bông (Huế), chào mào ở Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi…
Theo anh Lê Văn Tạo, chủ quán chim ở số 759 Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu - Đà Nẵng): Chim chào mào giá khoảng một trăm ngàn cho đến vài triệu đồng, tùy loại. Ở Đà Nẵng, phần lớn là nuôi chào mào Huế và chào mào Quảng Nam giá khoảng 250 ngàn đến 800 ngàn đồng/con.
Nuôi chào mào không cầu kì nhưng cũng chẳng đơn giản. Khi chim ốm, rất dễ chết. Trong khi nhà trọ sinh viên cứ mùa mưa là ẩm mốc, mùa hè thì nóng bức, thiếu không gian và thức ăn. Chim rất dễ mắc các bệnh như run chân, mắt đỏ, lười ăn, tiêu chảy... Đó đều là những bệnh của chim chào mào liên quan đến điều kiện ăn ở, không gian sinh hoạt.
“Nhà trọ sinh viên hiện nay, với cửa tôn, diện tích nhỏ hẹp và la phông bằng cót thì điều kiện sống cho chim chào mào không đảm bảo. Muốn chim hót hay và lớn mạnh nữa phải có điều kiện nhiều hơn về ánh sáng, không gian, thức ăn…”, - ông Nguyễn Văn Nam, chủ quán bán chim số 693 đường Tôn Đức Thắng, cho biết.
Tuy khó khăn, nhưng nhiều sinh viên vẫn kiên trì theo đuổi thú chơi tao nhã này. Theo chủ tiệm bán chim, anh Lê Văn Tạo: Trên địa bàn quận Liên Chiểu, số lượng chim chào mào được bán khoảng hơn 110 con/ tháng. Số lượng khách hàng mua nhiều, phần lớn là sinh viên Bách khoa, Sư phạm...