Ngày 3/12, núi lửa Etna trên đảo Sicily, Italy, phun trào dữ dội vào khoảng 3 giờ sáng. Cảnh báo về vụ phun trào được đưa ra trước đó vài tuần do những hoạt động bên trong lòng núi, theo Huffington Post.
Theo ước tính của Viện Địa lý và Núi lửa Quốc gia Italy (INGV), đây là vụ phun trào dữ dội nhất của ngọn núi lửa này trong hai thập kỷ qua. Cột dung nham mà Etna phun ra cao đến một kilomet tính từ miệng núi. Trong khi đó, tro bụi của vụ phun trào bay cao đến ba kilomet và che phủ toàn bộ bầu trời phía trên đảo Sicily.
Những bức ảnh và video mà nhiếp ảnh gia địa phương Marco Restivo ghi lại cho thấy quá trình toàn bộ vụ phun trào xảy ra. Theo đó, sau tiếng nổ lớn, dung nham phun lên cao cùng với tro bụi tạo ra một cột lửa và đám mây bụi khổng lồ. Từ trong đám hỗn độn xuất hiện những tia sét sáng rực. Nguyên nhân sét xuất hiện là do sự sản sinh tĩnh điện từ các hạt tro bụi núi lửa cọ xát vào nhau.
Sau vụ phun trào, toàn bộ các làng mạc lân cận như Linguaglossa, Francavilla di Sicilia, Milazzo, Messina, và Reggio Calabria đều bị ảnh hưởng bởi tro núi lửa. Một sân bay địa phương thậm chí phải tạm đóng cửa.
Núi lửa Etna nằm ở độ cao 3.350 m so với mực nước biển và có đến 5 miệng phun trào. Tuổi của ngọn núi này ước tính vào khoảng 2,5 triệu năm.
Những vụ phun trào của Etna bắt đầu được ghi lại kể từ thời La Mã cổ đại hàng nghìn năm trước. Cư dân thời đó xem đây là kỳ quan thiên nhiên bậc nhất. Lần phun trào gần nhất của Etna là vào năm 2013.