Chờ khơi thông

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa gửi đến lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kiến nghị gia hạn nợ và được vay gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP để cứu nguy các hộ chăn nuôi. Theo hiệp hội này, giá heo hơi không ngừng lao dốc trong thời gian qua và đang ở mức thấp kỷ lục, đẩy các hộ chăn nuôi đến bờ vực phá sản bởi thua lỗ kéo dài. Nhiều trại nuôi đã phải “treo chuồng” trên đống nợ.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công dẫn chứng, cách đây 10 năm, cả nước có 10 triệu hộ chăn nuôi; 3 năm trước còn 4 triệu hộ và nay không tới 2 triệu hộ. Điều làm nản lòng các hộ chăn nuôi chính là giá nguyên liệu thức ăn tăng mạnh, lãi suất cho vay tăng, trong khi giá bán heo, gà dưới giá thành, kèm theo dịch tả heo châu Phi đã bào mòn sức sản xuất của người chăn nuôi.

Việc cầu cứu của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho thấy, trong khi có rất nhiều bất ổn tồn tại từ lâu vẫn chưa được khắc phục, giải quyết thì những vướng mắc, trở ngại mới đã phát sinh, khiến nhiều ngành sản xuất rơi vào suy thoái vì quá sức chịu đựng. Với một đất nước nông nghiệp, phần đông dân số ở nông thôn và làm nông nghiệp nhưng họ phải bất lực trên ruộng đồng, vườn tược của mình thì đó là điều rất đáng để suy ngẫm và lo lắng.

Hiện tại, dù rất khát vốn, song hầu như các nhà sản xuất không thể tiếp cận được nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất, kể cả với gói vay ưu đãi 2% lãi suất vì những rào cản cứng nhắc, vượt quá tầm với. Gói vay ưu đãi nhằm giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã giảm chi phí vốn và phục hồi sản xuất kinh doanh sau hơn hai năm bị tác động bởi dịch COVID-19 được triển khai trong suốt năm qua, song đến nay, lượng vốn giải ngân được rất thấp, trên 1% trong 40 nghìn tỷ đồng của gói này. Việc chậm giải ngân đã khiến một chính sách tốt trở nên không còn mấy tác dụng và ý nghĩa.

Thiếu vốn dẫn đến khó khăn trong sản xuất là nguyên nhân chính khiến ngành chăn nuôi cũng như nhiều ngành sản xuất khác suy thoái mạnh trong thời gian qua. Vì thiếu vốn, không ít chủ cơ sở sản xuất đi “vay nóng”, đối mặt nhiều rủi ro. Ngay cả khi tiếp cận được vốn ngân hàng, các cơ sở sản xuất cũng khó có lợi nhuận để tái đầu tư, thậm chí “không kịp sống sót” để trả nợ vì lãi suất đang ở mức rất cao, đến 13% mỗi năm. Không ít cơ sở sản xuất đã phải đóng cửa, bán máy móc, nhà xưởng để trả nợ vì không chịu nổi lãi suất.

Doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế. Khi tế bào yếu sức sống hoặc lắt lay sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Khó khăn về vốn của doanh nghiệp vì thế rất cần được khơi thông sớm.

MỚI - NÓNG