Nhà nông, doanh nghiệp nhỏ đói vốn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chi phí sản xuất tăng cao, giá của sản phẩm đầu ra lao dốc, trong khi không tiếp cận được vốn ngân hàng, kể cả các gói tín dụng lãi suất ưu đãi… khiến nhiều doanh nghiệp (DN), nông dân chăn nuôi phía Nam ngưng trệ sản xuất.
Nhà nông, doanh nghiệp nhỏ đói vốn ảnh 1
Nhiều nông dân “treo chuồng” vì không còn vốn để tiếp tục chăn nuôi. Ảnh: U.P

Lo lắng khi không vay được vốn để duy trì đàn gà hơn 200.000 con, ông Dương Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bình Minh (Đồng Nai) cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng giá gà bán ra tuột dốc không phanh. “Do càng nuôi càng lỗ nên chúng tôi rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để duy trì hoạt động”, ông Tuấn nói

Theo ông Tuấn, DN chưa kịp mừng với gói vay hỗ trợ 2% lãi suất thì đã “bật ngửa” vì các tiêu chí để được ngân hàng cho vay. Đơn cử như doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2022 phải tăng trưởng tốt hơn năm 2021. Tuy nhiên, năm 2021 do giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, các ngân hàng cũng siết tín dụng, những khoản nợ đến hạn khi trả xong lại không được vay tiếp với lý do hết room. “Điều này cũng giống như khi anh có thóc thì ngân hàng mới cho mượn gạo. Nhưng nếu tôi đã có thóc rồi thì còn cần mượn gạo làm gì nữa?”, ông Tuấn đặt vấn đề. Để có vốn lưu động duy trì hoạt động, có tiền mua thức ăn cho đàn vật nuôi, ông Tuấn đành vay ngắn hạn ở ngân hàng thương mại với lãi suất 9-12%.

Bà Lê Thị Thúy, hộ chăn nuôi heo ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) mặt buồn rười rượi khi nhìn chuồng trại trống trơn vì không còn vốn để tiếp tục duy trì đàn. Biết Chính phủ có các gói hỗ trợ tín dụng nhưng gần ba năm qua, bà Thúy chưa từng tiếp cận được. “Sau 2 đợt xuất chuồng heo từ Tết đến nay, tôi đã lỗ cả trăm triệu đồng. Heo bán hết mà vẫn chưa đủ bù khoản tiền mua cám. Dù rất tiếc khi phải bỏ nghề đã gắn bó cả chục năm nhưng không còn cách nào khác”, bà Thúy cho hay.

Số liệu công bố đầu tháng 3 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân ngưỡng 0,4%. Tuy nhiên, chỉ DN kinh doanh ổn định có thể tiếp cận vốn dễ dàng, trong khi những DN đang gặp khó khăn, cần bơm vốn gấp lại rất chật vật để được các ngân hàng rót vốn. Từng có thời vàng son khi trở thành nhà cung ứng cho hầu hết các tiểu thương ở TPHCM và nhiều tỉnh thành khác, nhưng hiện nay cơ sở chuyên may quần áo trẻ em của ông Lý Văn Dũng (TP Thủ Đức) đã tiêu điều. Ông Dũng cho biết, từ khi có dịch bệnh COVID-19 đến nay, ông phải đóng nhà xưởng, bán máy móc trả nợ ngân hàng. “Tôi đã đến rất nhiều ngân hàng để hỏi về các gói hỗ trợ nhưng khi thấy DN không phát sinh lợi nhuận 2 năm qua, tất cả đều từ chối vay. Nợ sau chồng lên nợ trước, lãi mẹ đẻ lãi con… Tôi không thể tiếp tục giữ lao động vì không có đơn hàng, không có tiền trả lương nên phải bán hết máy móc, tài sản để trả nợ” - ông Dũng nói.

Bắc Giang: Gói hỗ trợ lãi suất 2% đạt kết quả thấp

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang, thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ về gói hỗ trợ lãi suất 2% trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt kết quả khiêm tốn. Đến ngày 28/2, dư nợ vốn vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt 410 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng so với năm 2022, với số tiền được hỗ trợ lãi suất là 1,4 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang có phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp để rà soát các đối tượng cho vay và giải đáp vướng mắc. Trong quá trình thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất, ngân hàng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như khách hàng khu vực nông nghiệp và nông thôn, khách hàng nhỏ lẻ không có đăng ký kinh doanh và hóa đơn chứng từ, thậm chí có khách hàng đủ điều kiện nhưng không mặn mà do e ngại trong việc thanh tra, kiểm tra sau khi được vay hỗ trợ lãi suất.

Nguyễn Thắng

Cần chia sẻ

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, người chăn nuôi đang thua lỗ, teo tóp do không có vốn đầu tư nhưng lại khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Ngân hàng gần như đang đánh đố người chăn nuôi bởi các tiêu chí đặt ra. Ông Công cho rằng: “Chăn nuôi cần được xem là một ngành đặc thù, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi được tiếp cận nguồn vốn, duy trì chăn nuôi. Trong khi lúa gạo có chính sách tạm trữ - chính sách giá sàn thì chúng tôi, cũng sản xuất mặt hàng thực phẩm thiết yếu lại không được hưởng chính sách này. Các DN chăn nuôi chỉ mong Nhà nước có chính sách cho gia hạn nợ gốc, khoanh lãi suất để tiếp tục duy trì chăn nuôi”.

Ông Công tính toán, với chi phí đầu vào hiện nay, giá thành sản xuất mỗi kg heo hơi tăng lên mức 55.000 đồng/kg, nếu chăn nuôi không tốt hoặc hao hụt vì dịch bệnh thì giá thành có thể đội lên trên 60.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, một con heo bán ra lỗ hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao và nhiều chi phí phát sinh, nhiều trại có nguy cơ “treo” chuồng. Trong thực tế, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề vì càng nuôi càng lỗ.

Ở một khía cạnh khác, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai Đỗ Phước Dũng nhìn nhận, tất cả các HTX nông nghiệp không vay được vốn từ các ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn vì khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nhất là trong tiếp cận nguồn vốn, quỹ đất làm trụ sở, đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, các ngành sản xuất chủ lực trên địa bàn thành phố đều sụt giảm, tăng trưởng chung thấp nhất trong lịch sử, dưới 1%. “Ngân hàng có dư vốn nhưng với lãi suất trên 10% thì không DN nào dám vay để đầu tư dài hạn. Không dám vay chứ không phải ngân hàng không cho vay. Vì vậy, phải tính tới giải pháp cho dòng vốn dài hạn 5-7 năm; cân đối như thế nào đó để kéo lãi suất xuống dưới 10%” - ông Hòa nói.

Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, các ngân hàng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng. Vì vậy, họ sẽ không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng. Để tháo gỡ khó khăn này, ông Hiếu kiến nghị cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa tại địa phương…

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.