Chính sách tiền tệ Kiểm soát chặt cung tiền

Chính sách tiền tệ Kiểm soát chặt cung tiền
TP - Suốt gần nửa đầu năm 2013, trong bối cảnh kinh tế thế giới kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức và phục hồi chưa vững chắc; nền kinh tế Việt Nam đình trệ kéo dài và chính sách tài khóa cạn kiệt dư địa, sức ép lên chính sách tiền tệ tiếp tục gia tăng. Tiền phong xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Thị Thanh Hương về chủ đề này (*Tít bài do tòa soạn đặt)

Thời ngân hàng lụy khách
> Vốn vào ngân hàng vẫn tăng

Vì sao tăng trưởng tín dụng không như kỳ vọng

Lượng cung tiền được kiểm soát chặt chẽ trong Quý I trước nguy cơ lạm phát tiền tệ có thể quay trở lại sau các lần cắt giảm lãi suất liên tiếp cuối năm 2012. Kênh OMO được sử dụng triệt để giai đoạn sát Tết Nguyên đán để cung ứng thanh khoản cho hệ thống.

Lượng bơm ra ồ ạt trên 51 ngàn tỷ đồng qua kênh này trong 3 phiên trước Tết, đã nhanh chóng được hút cạn ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Trong khi đó, tín phiếu ngân hàng nhà nước là kênh chính để thu hút lượng tiền cung ứng ra thị trường qua hoạt động mua vào ngoại tệ của NHNN trong tháng 1 và đầu tháng 2, với khối lượng phát hành ròng đạt trên 54 ngàn tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm.

Sáu tháng đầu năm, NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành tổng cộng 2% sau hai lần điều chỉnh giảm vào cuối tháng 3 và đầu tháng 5 cùng với việc hạ trần lãi suất huy động 0,5%.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm mạnh và đã giảm khoảng 8-13% so với cuối năm 2011. Bình quân lãi suất cho vay đã về mức lãi suất của giai đoạn 2005 – 2006 và thấp hơn cả năm 2007.

 “Chính sách tiền tệ cho thấy những thách thức trong bối cảnh phải theo đuổi quá nhiều mục tiêu mà sự hỗ trợ chưa đủ lực từ các chính sách vĩ mô khác. Mặc dù sức ép đã giảm, yêu cầu tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay vẫn còn”.  

TS. Nguyễn Thị Thanh Hương

Con số tăng trưởng tín dụng 2,98% đến cuối tháng 5, mặc dù có sự sụt giảm tín dụng vàng và tổng dư nợ tín dụng nói chung do các ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu, là rất đáng trân trọng xét trong bối cảnh hiện tại.

Việc tín dụng tăng trưởng chưa đạt mức kỳ vọng trong thời gian qua, đã được xác định không còn vì nguyên nhân lãi suất cao mà chủ yếu là do nhu cầu vốn thấp khi xu thế đình trệ của nền kinh tế kéo dài và các tổ chức tín dụng (TCTD) thận trọng hơn trong quyết định cho vay để hạn chế phát sinh nợ xấu mới.

Mặc dù tăng thấp, cơ cấu và chất lượng tín dụng đang có xu hướng thay đổi theo chiều hướng tích cực khi dòng vốn đang hướng tới các khách hàng tốt, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi cũng như các lĩnh vực khuyến khích ưu tiên của Chính phủ.

Sự ra đời chính thức của các chương trình hỗ trợ liên quan đến nhà ở xã hội và xử lý nợ xấu ngân hàng, đã củng cố niềm tin của thị trường vào quyết tâm của Chính phủ trong việc giải tỏa “điểm nghẽn” trong nền kinh tế, mặc dù tác động thực sự đến mục tiêu phá băng thị trường bất động sản và kích thích nguồn tín dụng được đánh giá là không đủ lớn.

… Về đích, đường xa vạn dặm

Mặc dù lạm phát có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm, các yếu tố kích thích xu hướng tăng giá nhiều khả năng quay trở lại trong những tháng cuối năm.

Sức cầu khá yếu là nguyên nhân chính khiến lạm phát giảm thời gian qua nhưng lực cung cũng đang tự điều chỉnh để tìm về điểm cân bằng, sẽ có thể kích hoạt nhanh những yếu tố tiền tệ và phí đẩy, gia tăng áp lực lên lạm phát trong những tháng cuối năm.

Yếu tố lạm phát tiền tệ xuất phát từ sự bơm tiền mạnh từ giai đoạn nửa cuối năm 2012, có thể bắt đầu gây tác động trong giai đoạn cuối năm 2013 cùng xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Kết quả tính toán chỉ tiêu lạm phát lõi cho thấy áp lực yếu tố tiền tệ đang gia tăng: lạm phát cơ bản sau khi được duy trì ổn định quanh mức 8% trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 8/2012 đã bắt đầu xu hướng tăng dần lên mức 10% trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 11/2012 và duy trì ở mức 12% kể từ tháng 12/2012 cho đến hết tháng 3/2013.

Đặt trong bối cảnh Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã được thành lập và gói hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội đang được triển khai, việc kiểm soát cung tiền nên tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ để chuẩn bị dư địa cho việc bơm tiền qua 2 chương trình này.

Thanh khoản của hệ thống mặc dù hiện khá dư thừa trong khi chênh lệch vốn huy động và cho vay ra ở mức độ lớn nhưng không bền vững, rủi ro khó khăn thanh khoản vẫn hiện hữu ở các ngân hàng nhỏ, nguy cơ gây ra sự lây lan mang tính dây chuyền.

Trần lãi suất tiền gửi huy động và các mức lãi suất điều hành của NHNN, do đó, sẽ khó có thể được điều chỉnh thêm trong những tháng cuối năm.

Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu qua VAMC sẽ được triển khai nhanh từ Quý III trong bối cảnh nợ xấu vẫn ở mức cao, lợi nhuận sụt giảm, đang là những nguy cơ lớn nhất đối với hoạt động của hệ thống ở thời điểm hiện tại.

Áp lực điều chỉnh đang gia tăng lên NHNN khi tỷ giá có xu hướng thiết lập một mặt bằng giá mới, nhưng mức độ điều chỉnh nếu có cũng sẽ chỉ ở biên độ hẹp để tránh gia tăng kỳ vọng tỷ giá và xu hướng dịch chuyển dòng tiền gửi từ nội tệ sang ngoại tệ.

Mặc dù kỳ vọng tỷ giá thay đổi, áp lực tỷ giá sẽ không lớn cho cả năm 2013 khi nguồn cung vẫn khá ổn định và cầu sẽ không có sự đột biến trong bối cảnh kinh tế vẫn khá trì trệ.

Thời gian tới, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và các chính sách điều tiết vĩ mô khác của Chính phủ cần đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Chính sách tiền tệ chỉ là một công cụ điều hành kinh tế và bản thân nó chỉ có thể giúp đạt được một mục tiêu chính sách cụ thể trong một giai đoạn kinh tế nhất định mà thôi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.