Việc các hãng taxi truyền thống yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý Uber và Grab như taxi như truyền thống là việc cào bằng, níu chân đối thủ định nhảy qua bờ rào. Giả sử, họ chiến thắng trong việc buộc Uber và Grab phải gắn mào, dán tem như taxi truyền thống, mọi việc sẽ ra sao?
Như chính đại diện một doanh nghiệp taxi tại Hà Nội băn khoăn: Việc đó không khác nào “nối giáo cho đối thủ” vì Uber, Grab vừa có thể bắt khách qua hệ thống phần mềm trên internet, vừa được khách đi đường vẫy xe. Và rồi, taxi truyền thống lại càng ít khách.
Giả sử, taxi truyền thống đấu tranh được, để Hà Nội và TPHCM khống chế số lượng xe của Uber, Grab thì ranh giới đó cũng không dành cho taxi công nghệ. Xe từ các tỉnh sẽ du nhập vào các thành phố lớn (chính Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đã “bắt” được một xe Grab biển số Nghệ An chở ông giữa Thủ đô). Tình huống này sẽ là “vô phương cứu chữa” như trường hợp xe taxi truyền thống từ Bắc Ninh, Hưng Yên tràn về khi Hà Nội muốn kiểm soát xe taxi truyền thống.
Trong cuộc “đấu tố” về vấn đề này tại Bộ GTVT hôm 28/6 vừa qua, đại diện Uber, Grab chú ý lắng nghe nhưng không nói nhiều. Tổng GĐ GrabTaxi Nguyễn Tuấn Anh thi thoảng còn cười nhạt trước những lời khó nghe. Đại diện Uber cũng “like” những nội dung mà chúng tôi ghi nhận và bình luận như trên.
Vậy có cách nào khả dĩ hơn cho taxi truyền thống? Hiện nay, Uber và Grab đã có số xe lớn, khách hàng phủ rộng; việc từng hãng taxi truyền thống xây dựng phần mềm “đánh lẻ” như hiện nay sẽ rất khó thắng.
Nên chăng, các hãng taxi truyền thống lập một phần mềm chung, quy tụ tất cả xe taxi hiện có, với bộ máy đơn giản, giá cước rẻ, dịch vụ tiện ích mà vẫn đảm bảo cạnh tranh... giống như Uber và Grab.
Đó có thể là một trong nhiều những lối rẽ để các hãng taxi truyền thống tồn tại, chiến thắng, không phải bán hết nhà cửa, manh áo giáp của ông cha để rồi bật bãi trước cối xay gió như hiệp sỹ Đông Ky Sốt.