Hoàng Đức Huyên là người dân tộc Nùng, trú tại huyện Quý Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn tham gia nghĩa vụ công an nhân dân từ tháng 2/2022, sau thời gian huấn luyện tại Trung đoàn cảnh sát cơ động E27 tỉnh Quảng Ninh, Huyên được điều về Trại tạm giam công an tỉnh Lạng Sơn.
Hàng ngày, 2 chiến sỹ Hưng và Huyên cắt tóc miễn phí cho các bệnh nhân Ảnh: Duy Chiến |
“Thời gian ở Trung đoàn E27, tôi được bổ sung vào “Tổ cắt tóc” của đơn vị vì trước đó, thời gian ở nhà, tôi cũng có ít năng khiếu và yêu thích nghề làm tóc. Tự mình mày mò học hỏi anh em bạn bè, chứ không đi học thợ nhưng thanh niên bản làng thường đến nhà tôi “gạ” cắt tóc cho. Tại trại tạm giam Yên Trạch, công an Lạng Sơn, bản thân cũng thường xuyên cắt tóc cho cán bộ, anh em đồng đội và phạm nhân khi họ có nhu cầu. Cuối tháng 8 vừa qua, một phạm nhân mắc bệnh phải đi điều trị tại Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, tôi cùng 3 chiến sỹ khác được cử đi giám sát. Trong bốn anh em, có tôi và Hạ sỹ Vi Văn Hưng có tay nghề nên lúc rảnh là tổ chức cắt tóc miễn phí cho các chú, bác bệnh nhân”, Huyên chia sẻ.
Cũng có năng khiếu từ nhỏ, Hạ sỹ Vi Văn Hưng, người dân tộc Tày, quê ở xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn được anh trai ruột dạy cách cầm tông đơ, cầm kéo, lược sao cho nhịp nhàng, thuận tiện.
Theo Hưng, khi thấy nhiều người bệnh là người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, gia đình khó khăn, không có tiền cắt tóc, mà từ bệnh viện đến nơi cắt tóc ở thành phố Lạng Sơn xa chừng 4km nên nhiều người phải để tóc dài, râu rậm, rất ngứa ngáy, khó chịu. Hai anh em Huyên và Hưng bàn nhau rồi xin ý kiến chỉ huy cho tổ chức cắt tóc miễn phí. Ban đầu thì tuyên truyền, vận động, sau gần một tháng qua, bệnh nhân thường đến nhờ cắt tóc vào mỗi buổi chiều. Ngày ít thì 7, 8 người, ngày đông đến gần hai chục người đăng ký cắt tóc.
Thượng tá Lê Duy Thực, Giám thị Trại tạm giam công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hạ sỹ Vi Văn Hưng và Binh nhất Hoàng Đức Huyên luôn là người hòa đồng, gần gũi với mọi người, nhiệt tình với công tác chuyên môn và phong trào Đoàn trong đơn vị.