Hãng tin Mil của Trung Quốc ngày 12/2 dẫn truyền thông Mỹ cho biết, tuy máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 của Lockheed Martin phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nhau trong việc xuất khẩu, nhưng riêng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhu cầu mua F-35 đang ngày càng lớn.
Theo nguồn tin, nhu cầu trên xuất phát từ sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, khiến một số quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Úc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… sớm lên kế hoạch mua loại máy bay chiến đấu tối tân này nhằm “đối phó những tham vọng của Bắc Kinh”, theo Mil.
Ngoài ra, việc Trung Quốc tiếp tục thử nghiệm máy bay chiến đấu trên tàu sân bay J-15 cũng được cho là bước phát triển tiếp theo trong chiến lược duy trì sức mạnh quân sự trên biển của Bắc Kinh mà các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương luôn cảm thấy bất an.
F-35 là phản lực chiến đấu đa nhiệm thế hệ thứ năm, ra đời nhằm thực hiện các cuộc tấn công mặt đất, trinh sát và phòng không.
F-35 có ba biến thể chính: F-35A, F-35B (cất cánh với đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng) và F-35C (dành cho các tàu sân bay).
Chuyến bay đầu tiên của F-35 diễn ra vào ngày 15/12/2006. Ước tính, F-35A trị giá 153,1 triệu USD/chiếc, F-35B trị giá 196,5 triệu USD/chiếc trong khi F-35C trị giá 199,4 triệu USD/chiếc.
Dự án phát triển F-35 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ dẫn đầu. Anh, Israel, Italy, Hà Lan, Australia, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia dự án.
F-35 dài 15,67 m, sải cánh 10,7m, nơi cao nhất đạt 4,33 m. Tải trọng cất cánh rỗng của F-35 đạt 13,3 tấn trong khi tải trọng cất cánh tối đa của chiếc máy bay lên tới 31,8 tấn. Một động cơ duy nhất cho phép F-35 di chuyển với vận tốc Mach 1,6+, tương đương 1.930 km/h.
Trần bay tối đa của F-35 lên tới 18,288 m, còn phạm vi hoạt động tối đa của nó đạt 2.220 km. F-35 mang một pháo 4 nòng GAU-22/A Equalizer, cỡ nòng 25 mm. Sáu giá treo dưới cánh cùng khoang vũ khí trong thân cho phép F-35 triển khai tên lửa đối không, đối đất, đối hạm và bom các loại.