11 triệu người đóng cho 16 triệu người hưởng !?
Trong lúc nhiều cơ quan liên quan cảnh báo về nguy cơ vỡ quỹ BHXH, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH vẫn diễn ra ở hầu hết các địa phương.
Ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, vì DN nợ BHXH lớn nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của người lao động (NLĐ). “Đời sống NLĐ đang rất khó khăn, DN lại chiếm dụng khoản tiền BHXH họ đóng hằng tháng, không thể chấp nhận được”, ông Liệu nói.
Theo ông Liệu, hiện chỉ có 150.000 DN đang tham gia BHXH, trong khi cả nước có 300.000 DN đang hoạt động. Nếu các DN tiếp tục nợ đọng, thậm chí chiếm đoạt tiền BHXH như hiện nay, người bị ảnh hưởng đầu tiên chính là lao động.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện, khối lượng tài sản chiếm đoạt từ BHXH rất lớn. Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn, cuối cùng chịu hậu quả là NLĐ và xã hội. Theo vị này, khi người già không có BHXH chi trả lương hoặc trợ cấp, gánh nặng sẽ đè lên vai nhà nước. Do đó, việc đóng BHXH còn quan trọng hơn cả đóng thuế vì ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cũng lưu ý, số trong diện phải nộp BHXH bắt buộc hiện vào khoảng 16 triệu người, nhưng chỉ có gần 11 triệu người đóng, làm cho số thất thu lên đến 56.000 tỷ đồng. “Nguy cơ vỡ Quỹ BHXH đã được cảnh báo. Cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng DN nợ đọng BHXH”, bà Nga nói.
Không khoanh, giãn nợ
Trường hợp Tập đoàn Taxi Mai Linh nợ BHXH gần 90 tỷ đồng, đại diện BHXH TPHCM cho biết: Đây là một trong những DN nợ BHXH lớn nhất thành phố. Theo phản ánh, dù Mai Linh nợ BHXH lớn, nhưng nhiều lái xe khi được hỏi, đều trả lời không biết. Trong khi hằng tháng, DN này vẫn trích trừ tiền lương của lái xe với lý do để đóng BHXH.
Trao đổi với báo chí, ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh thừa nhận về khoản nợ BHXH, cũng như việc đã thu tiền của NLĐ hằng tháng, nhưng chưa nộp bảo hiểm. Số tiền thu của NLĐ được lý giải dùng để trả lương, không nợ lương NLĐ. Để tránh khỏi bị kiện ra tòa, mỗi tháng DN cố gắng thu xếp khoảng 1 tỷ đồng để trả nợ.
Không chỉ có Mai Linh, mà nhiều DN hiện nay nợ BHXH như “chúa chổm”. Trước quan điểm của DN cho rằng, nhà nước nên khoanh, giãn nợ BHXH; lãnh đạo BHXH Việt Nam cho rằng: BHXH là bắt buộc, nên dù khó khăn, thua lỗ, DN vẫn buộc phải nộp.
“Nếu DN nào cũng nợ đọng BHXH lớn như Mai Linh, chiếm dụng tiền đó để phục vụ sản xuất kinh doanh mà quên đi quyền lợi của NLĐ, viện lý do gì, cũng khó chấp nhận”, một lãnh đạo BHXH nói.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, số lượng thanh tra viên của ngành LĐ-TB&XH quá mỏng nên công tác về BHXH không đáp ứng được yêu cầu quản lý. “Tôi nhất trí với ý kiến về cần tăng cường thẩm quyền cho tổ chức BHXH như thanh tra chuyên ngành”, bà Chuyền nói.
Tổng số nợ BHXH năm 2013 là 4.700 tỷ đồng, nhưng tới quý I/2014, đã lên đến hơn 11.000 tỷ đồng.