Trung Quốc:

Chi tiết đáng chú ý trong vụ án Tôn Lực Quân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 8/7, Tòa sơ thẩm thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bắt đầu xét xử công khai vụ án Tôn Lực Quân, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc về các tội nhận hối lộ, thao túng thị trường chứng khoán, sở hữu súng trái phép.
Chi tiết đáng chú ý trong vụ án Tôn Lực Quân ảnh 1
Tôn Lực Quân bị đưa ra xét xử hôm 8/7

Tôn Lực Quân, sinh tháng 1/1969, quê Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, bắt đầu công tác từ tháng 9/1988, gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 12/1997, đã tốt nghiệp chuyên ngành Y tế công cộng và quản lý đô thị Đại học bang New South Wales, Australia, Thạc sĩ Y tế công cộng. Ngày 20/4/2020, khi đang giữ chức Đảng ủy viên, Thứ trưởng Bộ Công an, Tôn Lực Quân bị điều tra, bị cách chức ngày 30/9/2021. Trong vụ án Tôn Lực Quân, có một số chi tiết đáng chú ý.

Đầu tiên, Tôn Lực Quân từ khi bị cách ly điều tra đến khi bị cách chức phải mất 17 tháng. Tình trạng này hiếm khi xảy ra, từ khi bị điều tra đến khi được đưa ra xét xử phải mất hơn hai năm. Sau Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19, có ít nhất 5 con "hổ công an" đã bị điều tra, đó là Mạnh Hồng Vĩ, Tôn Lực Quân, Đặng Khôi Lâm, Củng Đạo An và Lưu Chấn Vân, nhưng chỉ có mình Tôn Lực Quân từ khi ngã ngựa đến khi bị xét xử phải mất hơn hai năm.

Thứ hai, Tôn Lực Quân đã vơ vét được số tiền rất lớn - hơn 646 triệu Nhân dân tệ (gần 100 triệu USD). Viện kiểm sát nhân dân thành phố Trường Xuân đã cáo buộc: Từ năm 2001 đến tháng 4/2020, bị cáo Tôn Lực Quân lợi dụng các chức vụ và quyền lực địa vị Phó phòng Ngoại vụ Sở Y tế thành phố Thượng Hải, Trưởng phòng Tổng hợp Văn phòng Đối ngoại thành phố Thượng Hải, Phó Văn phòng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh trong nước Bộ Công an để hỗ trợ các đơn vị và cá nhân có liên quan trong các vấn đề như vận hành doanh nghiệp, điều chỉnh chức vụ, xử lý vụ án rồi trực tiếp hoặc thông qua người khác nhận bất hợp pháp tài sản tổng số tiền 646 triệu NDT.

Một điều đáng lưu ý là, Tôn Lực Quân bị điều tra vào ngày 20/4 năm 2020. Trong tháng bị điều tra, ông ta vẫn đang vơ vét tiền bằng việc nhận hối lộ. Xét về số tiền thì một con “hổ” vơ vét được khối tài sản hơn 600 triệu cũng rất hiếm thấy.

Ngoài việc nhận hối lộ, các công tố viên còn cáo buộc Tôn Lực Quân phạm các tội: Trong năm 2018, theo yêu cầu của người khác, đã chỉ đạo những người liên quan liên tục mua bán thông qua các quỹ tập trung, ảnh hưởng đến giá giao dịch cổ phiếu và khối lượng giao dịch, tình tiết đặc biệt nghiêm trọng. Tôn Lực Quân cũng vi phạm quy định quản lý súng và tàng trữ trái phép 2 khẩu súng.

Thứ ba, Tôn Lực Quân bị cách chức và khai trừ đảng trước khi xét xử. Thông báo vào thời điểm đó bao gồm 700 từ, ngôn từ cực kỳ nghiêm trọng, nhiều từ ngữ lần đầu tiên xuất hiện. Trong thông báo có đề cập ông ta chưa bao giờ thực sự thiết lập lý tưởng và niềm tin của mình, có tham vọng chính trị cực kỳ lớn, phẩm chất chính trị cực kỳ tồi tệ, quan điểm cực kỳ méo mó về quyền lực và thành tựu chính trị, có những bình luận ngông cuồng về phương châm đường lối, chủ trương của Trung ương, tạo ra và lan truyền tin đồn chính trị, dối trên lừa dưới, vun vén vốn liếng chính trị.

Ngoài ra, trong bản thông báo còn xuất hiện cụm từ “lập băng nhóm để kiểm soát các cơ quan yếu hại”. Nguyên văn thông báo viết: “Để thực hiện mục đích Chính trị, Tôn Lực Quân đã không từ thủ đoạn, thao túng quyền hành, gây bè nhóm trong đảng, kéo bè kết phái, xây dựng thế lực cá nhân, hình thành nhóm lợi ích, lập băng nhóm để kiểm soát cơ quan yếu hại, phá hoại nghiêm trọng sự đoàn kết thống nhất trong đảng, gây nguy hại nghiêm trọng đến an ninh chính trị”.

Thông báo cũng đề cập đến việc Tôn Lập Quân kiêu căng ngạo mạn, hành động ngông cuồng, lộng quyền, thiếu trách nhiệm trong chống dịch COVID-19, mê tín dị đoan, dùng thủ đoạn trinh sát của công an để đối kháng thẩm tra của tổ chức. Tôn Lực Quân còn ra sức bán chức, cài cắm tay chân, bài bố nhân sự, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái chính trị của hệ thống công an, chính trị pháp luật.

Đáng chú ý, tối ngày 15/1/2022, tập đầu tiên mang tên “Không phụ lòng 1,4 tỷ người” của bộ phim chuyên đề chống tham nhũng “Không khoan nhượng” được CCTV phát sóng, nhiều tình tiết về vụ án băng đảng chính trị của Tôn Lực Quân đã được công bố.

Theo tập phim, các thành viên trong băng nhóm của Tôn Lực Quân bao gồm: Củng Đạo An, nguyên Cục trưởng Trinh sát Kỹ thuật Bộ Công an, Phó thị trưởng kiêm Giám đốc Sở Công an thành phố Thượng Hải. Tháng 9/2021, Củng Đạo An bị xét xử tại Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền lên tới hơn 73,43 triệu NDT.

Vương Lập Khoa, nguyên Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Liêu Ninh, Giám đốc Cục Công an Đại Liên, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Giang Tô, Giám đốc Sở Công an tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Giang Tô.

Tháng 6/2022, Vương Lập Khoa bị xét xử tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm về các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ, bao che, dung túng cho các tổ chức thế giới ngầm và làm giả giấy tờ tùy thân. Số tiền vơ vét được là 440 triệu NDT.

Các công tố viên cáo buộc Vương Lập Khoa liên tục đưa hối lộ cho Tôn Lực Quân tổng cộng hơn 97,31 triệu NDT, nhằm trục lợi bất chính về thăng tiến chức vụ của bản thân và người khác…

Ngoài ra, vào tháng 3 năm nay, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước thông báo Phó Chính Hoa, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội và Pháp luật của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, bị khai trừ đảng và cách chức do vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng. Trong thông báo đề cập Phó Chính Hoa đã tham gia băng đảng chính trị của Tôn Lực Quân, lập bè kết phái mưu lợi cá nhân.

Theo QQ, 8/7
MỚI - NÓNG
Haaland.
Nhận định Na Uy vs Áo, 01h45 ngày 10/9: Cạm bẫy chờ đón 'Người khổng lồ' Haaland
TPO - Nhận định bóng đá Na Uy vs Áo, UEFA Nations League - thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, phong độ, lịch sử đối đầu. Hàng phòng ngự kiên cố của Áo có thể khiến chân sút số 1 châu Âu Erling Haaland phải "tắt điện". Na Uy luôn gặp muôn vàn khó khăn mỗi khi tiền đạo thuộc biên chế Man City bị khóa chặt.