Chênh vênh

Chênh vênh
TP - Được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đóng góp khoảng 30% ngân sách nhà nước và hơn 40% GDP của Việt Nam, nhưng khối kinh tế tư nhân tại Việt Nam dường như đang đứng ngoài rìa của các sân chơi lớn với những thiệt thòi chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Sự “lệch pha” trong ưu đãi, hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân sẽ kéo theo sự thoái lui sức cạnh tranh của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ khiến cho nền kinh tế mất nhiều hơn được cũng được khá nhiều chuyên gia nước ngoài cảnh báo.

Ngay tại Diễn đàn chính sách thương mại do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/1, ông Claudia Dordi- Tư vấn trưởng dự án EU-MUTRAP cũng cho rằng, khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh khá bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực. Nếu như khối doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi về đầu tư, cơ chế thu hút vốn ngoại và khối doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên hưởng các lợi thế về nguồn lực tài chính, đất đai sẵn có, thì khối doanh nghiệp tư nhân phải “tay trắng” ra trận. Không được hưởng vay ưu đãi vốn ODA, không được ưu tiên cấp đất vàng cùng nhiều cơ chế đãi ngộ khác, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như khối doanh nghiệp tư nhân nói chung đang phải chịu sự bất bình đẳng cả về lựa chọn thầu khi tham gia các dự án lớn.

Sự ốm yếu về cơ chế cũng khiến hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân, với khoảng 500 nghìn doanh nghiệp, ngày càng suy giảm cả về quy mô vốn cho đến quy mô nhân lực. Sự bất bình đẳng cũng thể hiện rõ ngay cả từ những ưu đãi sát sườn nhất là tiền lương của người lao động. Báo cáo của Bộ LĐ, TB&XH công bố ngày 19/1 vừa qua cho thấy, tiền lương năm 2015 bình quân cao nhất thuộc về khối doanh nghiệp Nhà nước, cao hơn 1,6 triệu đồng so với doanh nghiệp nước ngoài và hơn 2 triệu đồng so với doanh nghiệp tư nhân. Tính ra mức lương bình quân của người làm trong doanh nghiệp tư nhân thấp hơn 41% so với lương mà các đồng nghiệp làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước được hưởng.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, việc tạo cơ chế cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển với những con át chủ bài là những doanh nghiệp cỡ vừa có tầm quốc gia cũng như quốc tế có thể tham gia vào chuỗi kinh tế toàn cầu là một nhiệm vụ nặng nề trong việc hoạch định chính sách phát triển cho quốc gia trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải xóa bỏ tư duy tạo lập môi trường, cơ hội phát triển kiểu xếp tầng, manh mún như hiện nay đồng thời tạo các quỹ hỗ trợ phát triển tầm quốc gia để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân thì may ra khối này mới thoát khỏi tình trạng chênh vênh như hiện nay.

MỚI - NÓNG