Tăng tốc hài hòa

Tăng tốc hài hòa
TP - Tháng 3 tới đây, tốc độ tối đa của xe cơ giới ngoài đô thị (trừ trường hợp chạy trên cao tốc) có thể là 90 km/h, cao hơn so với quy định hiện hành.

Tốc độ tối đa cho xe cơ giới trong khu dân cư, đô thị sẽ là 60 km/h đối với đường đôi có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ hai làn xe trở lên; 50 km/h đối với đường không có dải phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới.

Quy định hiện hành là 40-50 km/h tùy theo loại phương tiện.

Làm một cuộc khảo sát ý kiến bỏ túi, lướt qua các trang mạng, có thể thấy ngay những người làm nghề lái xe hay doanh nghiệp vận tải là đối tượng ủng hộ chủ trương của Bộ GTVT. Được chạy xe với tốc độ nhanh hơn tức là giảm lượng tiêu hao xăng dầu, thời gian giải phóng phương tiện nhanh hơn đồng nghĩa với việc giảm ùn tắc, một lần nữa giảm hao phí nhiên liệu do ít phải dừng đỗ… Đó là còn chưa kể việc tiết kiệm thời gian, cũng có thể quy ra lợi ích kinh tế. Chưa rõ sẽ tiết kiệm cho xã hội là bao nhiêu nhưng chủ trương cho tăng tốc độ chắc chắn giúp xã hội tiết kiệm được khoản tiền rất lớn nếu xét trên tổng số phương tiện của cả nước.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một mặt của vấn đề và những người phản đối chính là vì lo ngại khả năng làm tăng tai nạn giao thông.  Có những đoạn đường rộng thênh thang, hạn chế tốc độ ở mức 40km/h tại khu vực đô thị là chưa hợp lý nhưng có mấy đoạn đường đô thị đạt được mức độ “thênh thang”? Nếu xét trên thực tế nhiều đô thị của Việt Nam, cho chạy 60km/h thì khó có thể nói sẽ không làm tăng tai nạn giao thông. Những người ủng hộ chủ trương của Bộ GTVT nói lý do cho tăng tốc độ nhiều đoạn đường thêm 10km/h là vì “đường sá đã được cải thiện chất lượng nhiều”, nhưng vấn đề của giao thông nước ta, nguyên nhân của đa số vụ tai nạn lại nằm ở ý thức người dân chứ không phụ thuộc nhiều vào điều kiện đường sá. Hãy tưởng tượng, trong một đô thị đông đúc mà xe tải, xe buýt, xe con, xe máy… đều được chạy với tốc độ 60km/h thì sẽ ra sao?

Tất nhiên, một chủ trương mới thường sẽ có người ủng hộ, người phản đối. Tuy nhiên, dù ủng hộ hay phản đối thì mỗi đối tượng đều có lý do riêng cho thái độ của mình và lý do nào cũng cần được cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng lắng nghe. Hài hòa lợi ích của các bên khi quyết định một chủ trương ảnh hưởng đến nhiều người luôn là điều cần thiết. Tăng tốc, nhưng tăng bao nhiêu, tăng ở những đâu là hợp lý, cần được các nhà chức trách cân nhắc.

MỚI - NÓNG