Ông Sỹ khẳng định: Tiểu thuyết của ông sinh trước, công bố (một đoạn) lần đầu vào tháng 5-6 năm 2014, trên Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm của Hội Nhà văn Việt Nam. Tiểu thuyết của Uông Triều được NXB Trẻ in xong và nộp lưu chiểu quí I-2015. Điều mà ông Bùi Văn Sỹ thắc mắc là tại sao khi ông dùng “nguyên liệu” lịch sử sai trong tác phẩm của mình thì ông Uông Triều cũng sai giống như ông khi viết “Sương mù tháng Giêng”?
Cả hai tiểu thuyết nói trên đều khắc họa nhân vật lịch sử Trần Khánh Dư. Bùi Văn Sỹ cho biết ông đã hư cấu chi tiết khác hoàn toàn chính sử (Đại Việt Sử ký toàn thư): Tại hội nghị Bình Than họp tháng 10 năm 1282, vua Trần chưa phong cho Hưng Đạo Vương làm Quốc công tiết chế, phải đến tháng 10 năm 1283 mới phong, song khi đưa vào tiểu thuyết ông đã để cho vua Trần phong tước cho Hưng Đạo Vương ngay đầu năm 1282. Trong “Sương mù tháng Giêng”, Uông Triều cũng “biến báo” so với chính sử: Cho Hưng Đạo Vương được phong tước sớm hơn. Nếu Bùi Văn Sỹ để Hưng Đạo Vương được phong tước tháng 2 thì Uông Triều “cho” phong tước tháng Giêng.
Bùi Việt Sỹ thú nhận, ông từng nghĩ sai khi viết tóm tắt tác phẩm “Chim ưng và chàng đan sọt”: Trần Khánh Dư đốt cháy và đánh chìm 70 vạn hộc lương của Trương Văn Hổ. Tác giả “Chim ưng và chàng đan sọt” giải thích, do ông thích đọc tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc nên hay nghĩ đến hộc lương, mới dẫn đến nhầm hộc lương với thạch lương: Thực tế là đốt cháy 70 vạn thạch lương mới đúng, một thạch tính theo trọng lượng bằng 30 quân, tức là 120 kg. Thế mới ra chiến công lớn, chứ 70 vạn hộc lương thì… nhằm nhò gì. Nhưng chẳng hiểu thế nào, Uông Triều trong “Sương mù tháng Giêng” cũng sai theo Bùi Việt Sỹ.
Tranh luận “đạo” trong tiểu thuyết lịch sử không đơn giản. Đến nay, Uông Triều khẳng định: Tôi chưa xem “đứa con” tinh thần nào của Bùi Việt Sỹ. Nhà văn này cho biết mình đã nghiên cứu rất nhiều tư liệu chính sử, dã sử khác nhau để viết tiểu thuyết nói trên.
Còn Bùi Việt Sỹ thì vẫn nhất định đòi quyền công bằng cho “đứa con” của mình. Ông tâm sự rằng, đã nói vấn đề này với những người có trách nhiệm của Hội Nhà văn Việt Nam song vẫn không được phân xử rõ ràng.
So với phim ảnh thì sức công phá của văn học ở ta hiện nay không mạnh mẽ lắm. Cho nên sự việc ông Bùi Việt Sỹ kiện Uông Triều có “đứa con” mang một số chi tiết giống “con” mình, cũng không mấy người để ý, do đó hiệu ứng thu hút với hai tác phẩm của hai nhà văn này cũng không vì thế mà tăng lên. Điều này, liệu có “bật đèn xanh” cho những người thích “đạo”? “Đạo” thơ còn dễ bị “tom” chứ tiểu thuyết lịch sử có na ná chút, chắc vẫn yên bình. Bởi lẽ, một bộ phận không nhỏ người Việt lâu nay vẫn bị đánh động về kiến thức lịch sử. Đã từng có không ít trường hợp, học sinh phổ thông nhầm Nguyễn Du với Nguyễn Huệ kia mà.