Câu chuyện đạo văn

Một trong số trang sách giống hệt nhau của cuốn “Kiến thức nhiếp ảnh” (trái) và “Công tác nhiếp ảnh”- bê bối mới ở Hội NSNA Việt Nam.
Một trong số trang sách giống hệt nhau của cuốn “Kiến thức nhiếp ảnh” (trái) và “Công tác nhiếp ảnh”- bê bối mới ở Hội NSNA Việt Nam.
TP - Tháng trước, giữa ồn ào của vụ giải thưởng thơ vừa trao chục ngày đã tước, Nguyễn Phan Quế Mai đột ngột tuyên bố không kiện Ngô Xuân Phúc- người tố chị đạo thơ như đã hẹn nữa. Kể có muốn kiện cũng khó thắng nếu căn cứ vào lý lẽ chị đưa ra khi dọa kiện.

Xin kể một chuyện để tiện liên hệ:

9 năm trước, một nhạc sĩ nổi tiếng chuyên viết cho thiếu nhi bị một người làm thơ ngoại tỉnh tố là có bài hát nổi tiếng viết phỏng theo ý thơ của ông. Bài báo Tiền Phong ra được ít hôm, nhạc sĩ bèn đến tòa soạn đưa bài “nói lại cho đúng”. Bạn ông tháp tùng ông.

Bài thơ của nhà thơ địa phương và bài hát trùng tên nhau-một cái tên và cái tứ không dễ trùng. Ngôn ngữ đều giản dị đáng yêu. Đặc biệt, không thể nói lời bài hát hay hơn bài thơ. Bài thơ 6 khổ thì hai khổ gần như giống y bài hát, còn lại câu chữ có khác nhưng ý tứ vẫn na ná. Nói chung đọc thấy ngay: Một trong hai người đã ảnh hưởng nặng của người kia.

Bài định nói lại của nhạc sĩ, lời mạnh nhưng lý yếu. Nhất là khi bài hát dù nổi tiếng cả nước (từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước) nhưng lại phát hành sau bài thơ-  từng hơn một lần in ở các tạp chí địa phương.

Đọc bài nói lại, hỏi thêm đôi câu và nghe nhạc sĩ giải thích, nghĩ đến danh tiếng ông gây dựng bao năm, tôi nói chân thành: “Bản báo sẵn sàng in bởi đây là thông tin đa chiều cần thiết. Nhưng chứng lý của chú yếu đấy, bài ra sẽ bất lợi cho chú”. Lập tức ông ngân ngấn nước mắt nghẹn ngào kể, gần như không ngủ được từ khi người kia lên tiếng nhận là đồng tác giả phần lời bài hát. Rồi ông thừa nhận thời trẻ từng về miền đất đó, nghe bài thơ đó và bị ảnh hưởng lúc nào không biết.

Người bạn đi cùng, một nhà thơ có mối thân tình với bản báo, khuyên ông vậy thì im lặng, không nói đi nói lại nữa, để sự việc trôi vào quên lãng.

Từ đó, tôi gần như không thấy ông đăng đàn ở đâu. Mãi năm ngoái mới xuất hiện trong một chương trình lớn, vài tháng sau thì qua đời. Cũng không biết ông có từng có tìm đến nhà thơ địa phương không. Thực tế là ông kia cũng không lên tiếng thêm lần nào.

Trở lại vụ việc Tổ quốc gọi tên mình. Như đã nói ở trên, Quế Mai nếu từng định kiện thì với lập luận như công bố, e chị khó thắng cho dù đúng là tác giả duy nhất của Tổ quốc gọi tên mình đi nữa.

Thư ngỏ và trả lời phỏng vấn, Quế Mai lý lẽ: Chị là nhà thơ chuyên nghiệp, không dại gì đánh đổi danh tiếng vì một bài thơ. Chị có tác phẩm xuất bản và đoạt giải không chỉ trong nước mà quốc tế trong khi ông Phúc chỉ là dân nghiệp dư, chẳng được in ấn bao giờ. Rồi có bài thơ giá trị như thế, đúng chủ đề “hot” (biển đảo) cả nước quan tâm, sao Phúc không đăng báo hay diễn đàn chính thống để khẳng định quyền sở hữu mà lại đưa lên blog và các mạng xã hội khác? Sao năm 2011 (thời điểm bài thơ-bài hát Tổ quốc gọi tên mình phát hành) ông Phúc không nhận mình là tác giả luôn mà chờ tận 4 năm sau? Ông có bằng chứng nào việc Quế Mai quen bạn bè ông- những người có bài thơ trong tay và gửi cho chị... Vân vân.

Thật đúng là lý lẽ của một nhà thơ! 

Không cần nhiều, chỉ một ví dụ như vụ tranh chấp nho nhỏ giữa nhạc sĩ nổi tiếng và nhà thơ địa phương “vô danh tiểu tốt” trên kia, đủ bẻ gãy luận chứng của nhà thơ Mai. Mấy chục năm bài hát nổi tiếng vang lên trên sóng truyền thanh truyền hình, trẻ em đều thuộc, mà ông “nhà quê” có cất tiếng đâu. Đến cuối đời mới đòi chút công bằng: “Giá nhạc sĩ ghi là phỏng theo ý thơ tôi, có phải nghĩa cử cao đẹp không. Tôi không phàn nàn gì cũng không làm to chuyện, chỉ muốn làm rõ một lần, vì bạn bè và mọi người có thể nghĩ thơ tôi phỏng theo bài hát nổi tiếng”.

Đời này còn nhiều hạt ngọc trong dân gian chưa phát lộ lắm, đâu chỉ chốn lao xao mới có hàng chất lừ, người chất lừ.

Tsekhov, thật đúng là văn hào, viết rất hay về loại nhân vật chỉ tin, luôn tin những điều ghi trên bao bì!

Ngô Xuân Phúc thật thà tuyên bố đã mất hết bản thảo, Mai nhanh nhảu lập luận, vậy thì ông sao nhớ nổi bài thơ ấy chính xác thế nào để đấu với chị. Sự lơ ngơ, đến thơ mình cũng không thuộc này, có khi là điểm cộng! Còn hơn cứ vanh vách những Độc ẩm trước bình minh với chả Độc ẩm trước hoàng hôn (có người ác khẩu: Độc ẩm trước hư vô), ngày tháng khai sinh bài thơ cũng vanh vách.

2/Nhiều người đoán: Vụ Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới rồi cũng đi theo vết xe đổ vụ Bạch lộ thôi. Lại một thông cáo không hề có chữ nào là “đạo văn”. Thu hồi giải, hết chuyện.

Mãi mới chịu nhận “sai sót” không ghi  biên soạn, tài liệu tham khảo ở cuối sách, nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường xin lỗi rồi kết thúc bằng câu: “Vì cuốn sách này (xuất bản 2009) được Hội NSNA Việt Nam tặng giải B, nếu tiêu chí giải thưởng không xét tặng cho công trình nghiên cứu biên soạn, thì tôi xin hoàn lại cho Hội giải thưởng trên”.

Ông Thường không hề nhận đạo văn, và có lẽ chẳng bao giờ nhận. Vậy Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, được biết dự định giải quyết dứt điểm vụ việc vào cuối tháng 11, định thế nào? Tuyên bố đã trao nhầm thể loại, rút giải là xong? Phía Chu Chí Thành, Trần Đương, Vũ Đức Tân - những tên tuổi của giới nhiếp ảnh, trước giờ luôn gọi đây là vụ đạo văn, có chịu không? Và nếu không, cuộc chiến này không thể có hồi kết?

Trong khi vụ việc lùm xùm hơn 3 năm chưa thể kết, thì lại thêm một cuốn sách của Trần Mạnh Thường - Kiến thức nhiếp ảnh bị nghi đạo, lần này là đạo sách dịch in trong nước, không hề là ca khó như Chủ tịch Hội Vũ Quốc Khánh than vãn  về vụ  Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới: “Động đến bản quyền lại còn dính nước ngoài thì khó (phân xử) lắm”. Người học ở Đức về, biết tiếng Đức như ông Khánh, so sánh song ngữ Việt-Đức còn kêu khó thì ai dám bảo dễ.

Chúng ta ai cũng có thể phạm sai lầm, nào ai dám nói giỏi. Vấn đề là cách đối mặt sai lầm, nhất là đã được người khác chỉ ra. Cho nên tôi vẫn nghe các bài hát của nhạc sĩ nổi tiếng, chuyên viết cho thiếu nhi kia với sự trân trọng yêu mến y như hồi tôi còn bé, cả khi đã biết vết xước nhỏ trong đời ông.

Táy máy cúp ảnh bà già Chăm của Đỗ Hữu Tuấn đưa vào ảnh của mình dự cuộc thi ảnh ISF 2014 và bị phát hiện, Bùi Vy Vân ngây thơ giải thích: “Tôi thấy bức ảnh trên mạng đẹp thì lấy thôi”. Ông đã phải trả giá đắt cho sự “ngây thơ” này: Viết thư xin lỗi khổ chủ, xin BCH Hội cho lưu lại sinh hoạt, nhưng rồi bị khai trừ thẳng tay! Xem ra trong giới nhiếp ảnh, sự ngây thơ không hiếm. Người sáng tác đã đành mà người làm lý luận, già đời viết lách cũng ngây thơ. Hội viên bình thường lẫn quan chức. Nếu không, họ đang nghĩ mọi người thật ngây thơ.

Chỉ người bị tố đạo văn phải chứng minh

Câu chuyện đạo văn ảnh 1
Theo ông Lê Quốc Vinh (ảnh), Chủ tịch tập đoàn truyền thông LeGroup thì ở các nước phát triển, người bị tố đạo văn sẽ phải chứng minh mình trong sạch, còn người đi tố không cần. Cụ thể, ông Vinh nói:

“Ở Việt Nam, phát hiện tác phẩm của mình bị ăn cắp bản quyền thì chỉ có cách la làng mà không biết làm gì tiếp theo. Bởi hệ thống pháp lý có nhưng không có cơ chế thực thi. Người bị vi phạm bản quyền buộc phải chứng minh tính hợp pháp của mình một cách vất vả thì mới đưa ra toà được. 

Ngay cả ra tòa, chứng minh được thì thời gian thụ lý và phân xử cũng kéo dài gây mệt mỏi, kinh phí đi kiện vượt gấp nhiều lần tiền đền bù thiệt hại. Ngược lại ở Mỹ, một hệ thống phần mềm cho phép các chủ sở hữu tác quyền được báo cáo (report) vi phạm. Cơ quan kiểm soát của chính phủ tự động gửi tối hậu thư yêu cầu bên bị nghi ngờ phải chứng minh trong sạch, nếu không sẽ phạt rất nặng.

Ở ta, ca sỹ làm album chưa kịp phát hành đã thấy đĩa lậu nhan nhản. Sách hay là bị in lậu. Báo chí thản nhiên lấy bài đồng nghiệp đăng lại. Kênh truyền hình danh tiếng lấy clip người khác chẳng hỏi han. Nhưng ở Âu-Mỹ hay Nhật Bản, người dân đều ý thức không sao chép, lấy cắp bản quyền. Bởi họ được giáo dục tôn trọng quyền tác giả, và cả do e ngại pháp luật mà không dám vi phạm”.

MỚI - NÓNG