Vụ 'Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới': Biên soạn hay đạo văn?

Hai cuốn sách liên quan. Ảnh: Lưu Quang Phổ.
Hai cuốn sách liên quan. Ảnh: Lưu Quang Phổ.
TP - Trưởng ban Kiểm tra Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam tuyên bố sẽ thu hồi giải thưởng sau khi nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường thừa nhận mình biên soạn chứ không tự viết Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới.

Vấn đề là: Thu hồi giải ngoài lý do Hội trao nhầm thể loại thì còn lý do khác không? Cuốn sách này thực chất biên soạn hay đạo văn?

Biên soạn, lược dịch hay sơ suất nhỏ?

Khi ông Trần Mạnh Thường lên tiếng trên báo Tiền Phong số ra 15/8/2015: “Đạo văn hay không, tôi chưa thể nói”, người tố ông đạo văn- Chu Chí Thành bèn gửi đến bản báo cùng lãnh đạo Hội NSNA Việt Nam bản chứng cứ đầu tiên, với lời phi lộ: Ông Thường còn chối quanh, thế thì để sách của ông nói hộ ông vậy.

Từ đâu người ta tìm ra dấu tích đạo văn? Ông Thành đặt vấn đề rồi giải thích: Trang cuối Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới xuất bản 1999, phần Tài liệu tham khảo, ông Thường ghi: Geschichte der Photographie, NXB Chirmer/Mosel CHLB Đức… Từ đó, cánh nhiếp ảnh biết tiếng Đức mới tìm đến bản gốc mà ông nêu tên. Cuốn sách Việt ngữ ấy, cả ảnh cũng giống y sách gốc tiếng Đức, còn cuốn sau, cùng tên, cũng của ông Thường in 2009 thì bỏ ảnh nhưng các chương mục, nội dung vẫn thế.

Xem chứng cứ của ông Thành- nhà nhiếp ảnh đào tạo ở Đức, thấy rằng nếu ông dịch không sai, thì kết cấu hai cuốn sách là một, chỉ xê xích vài chữ không đáng kể. Ví dụ: Tên của chương 3 sách Đức là: Phương pháp Daguerre “Tấm gương với trí nhớ” thì cuốn tiếng Việt: Phương pháp Daguerre. Chương 4: Phương pháp Calo “Bút vẽ của thiên nhiên”. Cuốn tiếng Việt: Phương pháp Calo của Fox Talbot. Chương 5: Nhiếp ảnh và hội họa, so với Cuộc tranh luận giữa nhiếp ảnh và hội họa. Chương 7: Chân dung cho hàng triệu người, so với Ảnh chân dung. Vân vân. Một bên ghi tên chương mục: Ảnh tài liệu còn bên kia: Ảnh tư liệu!

Ông Thường giải thích với PV báo Tiền Phong và trong hội nghị của Hội NSNA Việt Nam: Lịch sử chỉ có thế không thể viết khác. Ví dụ lịch sử Việt Nam trải các triều đại Đinh - Lê- Lý - Trần - Lê thì cứ thế mà viết chứ chả nhẽ lại sáng tạo?!

Tuy nhiên, hai cuốn không chỉ trùng hợp về kết cấu chương mục mà thôi. Ông Thành tạm trích những đoạn hệt hền hên về thông tin, phương pháp phân tích... Chỉ là thỉnh thoảng rút tít, đảo từ đảo ngữ khác đi một tẹo.

Giờ thì, sau hơn 3 năm cãi lý, ông Trần Mạnh Thường đã phải thừa nhận mình không tự viết cuốn kia, chỉ là biên soạn. Biên soạn có đồng nghĩa đạo văn? Nếu đây là một cách thừa nhận đạo văn thì không nói làm gì. Song nhiều người trong giới - cả phía phản đối ông Thường lẫn phía bênh vực, không nghĩ thế.

Vụ 'Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới': Biên soạn hay đạo văn? ảnh 1

Trần Đương - NSNA, chuyên gia văn hóa Đức, nhà dịch thuật văn học.

Trước khi ông Thường thú nhận sách của mình là biên soạn, NSNA Trần Đương lý lẽ: “Biên soạn không có nghĩa anh lấy chỗ này lắp vào chỗ kia. Anh phải nói rõ chỗ này anh trích của ai, dẫn của ai, nguồn từ đâu thì mới gọi là biên soạn. Đằng này chép những chỗ anh thích biến thành sách của anh. Cho nên tôi tạm gọi sách này là lược dịch. Vì như anh Thường nói, nếu dịch hoàn toàn thì sách phải dày gấp ba”.

“Chưa đọc hai cuốn sách nhưng nghe anh Thành đọc trích đoạn giống nhau giữa chúng, tôi cho rằng: Chỉ lấy một đoạn của người khác không đề tên người ta cũng là đạo văn. Bộ trưởng Quốc phòng Đức làm luận án tiến sĩ chỉ lấy không đầy đủ của người khác mà bị qui đạo văn, mất chức”. 

Trần Đương - NSNA, chuyên gia văn hóa Đức, nhà dịch thuật văn học

Bây giờ, hỏi NSNA Tạ Hoàng Nguyên - Trưởng Ban Kiểm tra Hội NSNA Việt Nam rằng, Hội có định xử lý dứt điểm vụ việc kéo dài hơn 3 năm, ông cho biết: “Sắp tới Chủ tịch Hội sẽ có thông báo kèm văn bản nhận lỗi của anh Thường, gửi anh Thành - người tố anh Thường đạo văn, đồng thời đưa lên trang web của Hội để mọi người được biết. Nay anh Thường đã nhận thiếu sót, đồng ý trả lại giải thì Ban Kiểm tra sẽ họp, đề xuất ý kiến rồi thông qua BCH để xử lý, căn cứ tiêu chí điều lệ của Hội, soi rọi qui chế của Ban Kiểm tra”.

Trong khi ông Nguyên cho rằng, không nên hình sự hóa vụ việc nhưng cũng không nên đơn giản hóa nó thì Phó Ban Kiểm tra Trần Trọng Độ đóng đô ở Hà Nội không phải Cà Mau như ông Nguyên nhìn nhận vụ việc “nhẹ nhàng” hơn đồng sự dù khẳng định sẽ thu hồi giải: “Bác Thường có sơ suất nhỏ, nhận lỗi rồi. Bác ấy cũng đóng góp nhiều cho nhiếp ảnh, bác nói 40 năm trong nghề còn sơ suất. Có những cái cũng phải hiểu, thông cảm cho người ta”.

Hỏi ông Độ: Hội viên của ông từng thắc mắc trên báo Tiền Phong rằng đạo một bức ảnh bị khai trừ, còn đạo cả quyển sách ảnh thì sao (Bùi Vy Vân đạo ảnh Đỗ Hữu Tuấn và bị khai trừ), ông đáp: “Vụ đạo ảnh hơi trắng trợn còn vụ này không phải bác Thường lấy hết cuốn kia bê sang sách của mình. Công dịch của người ta cũng xứng đáng rồi (?) Vụ này mà đặt vấn đề khai trừ thì nặng quá, khiển trách thì chắc chắn. Mình làm biên dịch phiên dịch mình biết, nếu ông ấy ghi sách này tham khảo sách kia thì không vấn đề gì”.

Một đại diện nữa của luồng ý kiến trên, hội viên Bùi Hỏa Tiễn phát biểu: “Sách ông Thường có giá trị phục vụ giảng dạy, và không phải sách dịch cũng không trích dẫn mà tập hợp. Giá có dòng ghi tài liệu tham khảo thì chả sao cả! Nói chung vụ việc không đến mức ghê gớm là đạo văn. Làm sách ai không dựa vào tài liệu của người đi trước! Trao giải cho cuốn sách là phù hợp. Không cần đặt vấn đề quá xa, đạo hay không đạo”.

Tất nhiên giờ này thì lý luận của hội viên Bùi Hỏa Tiễn đã lạc hậu, bởi người trong cuộc- Trần Mạnh Thường đã giải tỏa băn khoăn của ông Tiễn rồi- nói rõ công trình của mình là biên soạn rồi.

Gọi sự vật đúng tên

Về con số giải thưởng 8 triệu “nhỏ bé”, nhà nhiếp ảnh Trần Đương nói: “Các anh đừng nói có 8 triệu đáng gì đâu. Không được nói thế. Dù chỉ 5 nghìn cũng là danh dự, giải thưởng của nhà nước, của hội nghề nghiệp”.

Chủ tịch Hội Vũ Quốc Khánh trước sau cho rằng, việc trao giải hơn 3 năm trước không sai, căn cứ chấm giải là chất lượng tác phẩm, không liên quan bản quyền. Về chất lượng giải thưởng Hội NSNA Việt Nam, chúng tôi sẽ bàn vào một dịp khác. Tuy nhiên có một thắc mắc: Những người chấm giải, chưa cần đọc hết cuốn sách, chỉ mới đọc tên sách và kết cấu của nó, không thấy ghi một dòng tư liệu tham khảo nào mà không cấn cái, không nhột tí nào, cũng lạ! Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam nếu muốn viết, còn phải tham khảo chán chê, nữa là lịch sử nhiếp ảnh thế giới! Lọt cửa giải thưởng quốc gia của một hội nghề nghiệp hóa ra không khó như người ta tưởng?

Cuối cùng, không thể nói khác, vụ Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới thực chất là một vụ đạo văn. Lấy kiến thức, tư liệu của người khác chế thành của mình, có chỗ chép nguyên xi có chỗ gia giảm, xào xáo, thì là đạo văn chứ còn gì nữa!

Đến tòa soạn Tiền Phong hồi tháng 8, ông Trần Mạnh Thường cho biết: Ở tuổi 80 ông đã có hơn 6 chục đầu sách, nói rồi tặng phóng viên cuốn Nhiếp ảnh Việt Nam một góc nhìn, NXB Hồng Đức ấn hành 2015, nghe nói định dự giải thưởng của Hội năm nay. Nhìn bìa 4 thấy danh mục đồ sộ thật dù chưa đến 6 chục. Trong số đó chỉ 14 cuốn ghi rõ là biên soạn, còn lại gồm ba loại: Sách ảnh sáng tác; Sách nghiệp vụ nhiếp ảnh; Sách văn học - văn hóa. Cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới đương nhiên nằm ở mục “Sách nghiệp vụ nhiếp ảnh”! Còn danh mục sách văn học- văn hóa, chúng tôi chưa có dịp đọc cuốn nào nhưng giả sử không ghi tài liệu tham khảo và những chú thích khác, thì lại cho phép được nghi ngờ gốc gác của nó: Danh nhân thế giới về KHKT và VHNT, Những di sản nổi tiếng thế giới, 1000 nhân vật nổi tiếng thế giới, Những nhân vật nổi tiếng thế giới, 105 sự kiện nổi tiếng thế giới, Những nền văn hóa lớn của nhân loại, Những kỳ quan và di sản nổi tiếng của nhân loại v..v...

“Không hình sự hóa cũng không đơn giản hóa”

Vụ 'Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới': Biên soạn hay đạo văn? ảnh 2
Hỏi NSNA Tạ Hoàng Nguyên, Trưởng Ban Kiểm tra Hội NSNA Việt Nam: “Lãnh đạo Hội từng nêu quan điểm tiền giải 8 triệu không lớn, cuốn sách không phải sáng tác thì cũng công phu biên soạn dịch thuật cho nên trù trừ không xử lý, còn quan điểm của ông?”.“Tôi cho rằng không nên hình sự hóa vấn đề nhưng cũng không nên đơn giản hóa nó. Việc này kéo quá lâu, giải quyết triệt để được thì rất đáng mừng, giải tỏa dư luận trong Hội và cả công luận”. 

Kỳ sau: Hà Nội, mùa rút giải

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.