'Kiến thức nhiếp ảnh' đạo sách 'Công tác nhiếp ảnh'?

Hai cuốn sách giống nhau lạ lùng.
Hai cuốn sách giống nhau lạ lùng.
TP - “Kiến thức nhiếp ảnh” so ra quá giống “Công tác nhiếp ảnh’”- hai cuốn phát hành cách nhau hơn hai chục năm. Một bên là sách nghiệp vụ, tài liệu tham khảo của Thông tấn xã Việt Nam, một bên của nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường - nhân vật được báo Tiền Phong đề cập quanh vụ Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới vừa xong.

Lại giống hệt

Cuốn Kiến thức Nhiếp ảnh dày hơn 300 trang ghi: Trần Mạnh Thường biên soạn, NXB Văn hóa Thông tin ấn hành năm 1997. Mục Tài liệu tham khảo cuối sách có nhắc tên sách, tên tác giả và NXB: La technique Photographie: Pierre Montel Edition Libraire Larousse Publications Montel 1972. Xem ra đây là cuốn sách có nguồn gốc, không phải là không ghi nguồn như Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới. 

Công tác Nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) in roneo, ghi tên tác giả Pierre Montel. NXB: Libraire Larousse Publications Montel 1972.  Nghĩa là đúng tác giả và NXB mà ông Thường đưa vào cuối sách.

Xem kỹ thấy hai cuốn không chỉ giống nhau về hình vẽ minh họa, mà cả nội dung. Cụ thể:

Chương 1 cuốn Kiến thức Nhiếp ảnh đổi tên vài tiểu mục, còn nội dung gần như giống hệt Công tác Nhiếp ảnh.

Chương 2 cuốn Kiến thức Nhiếp ảnh gộp hai phần Máy ảnh và Ống kính máy ảnh, trong khi cuốn kia tách ra làm hai chương-ống kính riêng, máy ảnh riêng. Nhưng các tiểu mục của từng chương trong sách ông Thường y nguyên bản của TTXVN, so ra không sai một chữ: 1. Các bộ phận của máy ảnh; 2/ Ống kính. 3/ Chế quang và độ mở quang. 4/Cửa chập... vân vân.

Chương 3 sách ông Thường chính là chương 4 của TTXVN, cùng tiêu đề: Phụ tùng.  Bản TTX là Phụ tùng nhiếp ảnh, ở sách ông Thường: Phụ tùng máy ảnh. Các tiểu mục chỉ khác nhau đôi chữ còn thì y nguyên. Cứ như vậy, sự giống nhau kéo dài hết 9 chương sách của Trần Mạnh Thường, khổ 13x19 cm. Còn sách của TTXVN khổ 18,5x25 cm.

Trong giới nhiếp ảnh, Trần Mạnh Thường được nhiều người biết vì ông có nhiều công trình được in trong đó có cả sáng tác, biên soạn. Nhưng theo một số nhà nhiếp ảnh uy tín, ông không biết tiếng Pháp. Vậy ông biên soạn Pháp văn bằng cách nào? Thuê dịch, rồi tự sắp xếp lại?

Trang 1 (vì in roneo nên không có bìa) Công tác Nhiếp ảnh ghi: Tài liệu tham thảo, Thông tấn xã Việt Nam phát hành 1976. Trang cuối cuốn sách dày hơn 400 trang này ghi tên người dịch: Phí Hoàng Cường, Bùi Trần Chú. Người hiệu đính: Đoàn Văn Tần.

So ra hai cuốn đầy những chương đoạn giống nhau từng chữ, có lúc là từng dấu phẩy, có lúc thêm bớt hoặc đổi từ. Như vậy, nếu Trần Mạnh Thường không phải dịch giả mà là biên soạn như ông ghi trong sách, thì có khả năng này chăng: Ông Thường đã cộng tác với hai dịch giả Phí Hoàng Cường và Bùi Trần Chú để viết cuốn sách riêng? Hoặc được phép của hai ông này, lấy công trình dịch thuật của họ phục vụ
cho mình?

'Kiến thức nhiếp ảnh' đạo sách 'Công tác nhiếp ảnh'? ảnh 1

Dịch giả Phí Hoàng Cường: “Tôi không khởi kiện vì vụ này Thông tấn xã Việt Nam bị xâm hại là chính, nhưng anh Thường nên trung thực với người dịch và người đọc”.

“Chưa từng gặp Trần Mạnh Thường và “Kiến thức nhiếp ảnh”


Thập kỷ 1980, nhiều người đọc ở Việt Nam biết dịch giả Phí Hoàng Cường, tác giả bản dịch một số cuốn sách nổi tiếng: Gasby vĩ đại (F.Scott Fitzgerald), Mùa tôm (Thakazhi Pillai),  Câu chuyện tình yêu (Erich Segal)... Ông cũng chính là người đầu tiên dịch loạt truyện về Sherlock Holmes của Conan Doyle.

Dịch giả Phí Hoàng Cường trải qua các công việc biên tập ảnh, biên tập tin bài ở TTX Việt Nam, Phó Tổng biên tập tạp chí Người đưa tin UNESCO, Trưởng đại diện TTXVN ở Pháp. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tại căn nhà cổ phố Nhà Hỏa Hà Nội chiều 12/11, Phí Hoàng Cường cho biết chưa từng gặp nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường bao giờ dù có nghe điều này điều nọ. Và hoàn toàn ngỡ ngàng khi nhìn thấy cuốn Kiến thức Nhiếp ảnh- trùng về ý tưởng, bố cục, nội dung, phần lớn câu chữ và hình vẽ minh họa so với Công tác Nhiếp ảnh  mà ông và đồng sự đứng tên dịch thuật.

Ông Cường nhớ lại: Ông dịch Công tác Nhiếp ảnh năm 1976, mấy tháng thì xong. Bùi Trần Chú - người đứng tên cùng trong bản dịch chính là em rể ông, còn người đứng tên hiệu đính - Đoàn Văn Tần là sếp trực tiếp của ông. “Tuy đứng tên cùng nhưng tôi dịch là chủ yếu, khoảng 8 phần 10. Cậu em rể thạo tiếng Anh hơn”.

Hỏi ông Cường: Liệu có thể có chuyện ông Trần Mạnh Thường tự tìm được nguồn, tự dịch cuốn sách, hoặc thuê người dịch rồi biên soạn, và ngẫu nhiên trùng hợp với ông về thao tác dịch?”. Ông Cường đáp: “Cuốn sách gốc này hơi hiếm đấy. Cơ quan tôi sau khi sách được dịch ra thì có bán bản in roneo chứ không chỉ tham khảo nội bộ. Hồi đó chỉ in roneo thôi, đơn giản lắm. Nhưng tôi khẳng định không thể có hai bản dịch trùng nhau. Khi dịch tôi phải chọn, tìm tòi, so sánh các thuật ngữ khoa học và nhiếp ảnh, tự đặt ra nhiều từ mới vì hồi đó là năm 1976, nhiều thứ còn mới mẻ lắm ở Việt Nam, nhiều từ ngữ giờ đọc lại thấy ngô nghê”.

Ông kể tiếp: Từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, đang theo học lớp nhiếp ảnh đầu tiên của TTX, ông đã vào thư viện mày mò đọc nhiều cuốn sách nước ngoài về nhiếp ảnh. Sau đó vì cận thị, ông thấy mình không phù hợp nghề nhiếp ảnh nên đã chuyển sang biên tập nhiếp ảnh rồi biên tập tin bài, trở thành dịch giả văn học. Dù không theo nghề ảnh nhưng ông tự nhận có đóng góp  về lý thuyết cho ngành, từng dịch không chỉ một cuốn sách nghiệp vụ nhiếp ảnh.

Về vụ việc trùng lặp vô lý này, dịch giả Hoàng Cường nói: “Chủ sở hữu Công tác Nhiếp ảnh là TTXVN, còn tôi chỉ là người dịch theo yêu cầu của cơ quan. Tôi không có quyền lợi gì ở đây, cũng không có ý định kiện tụng hoặc làm lớn chuyện. Nhưng anh Thường cần trung thực, nên ghi rõ là lấy bản dịch của Hoàng Cường. Bạn đọc có lẽ cũng đòi hỏi điều đó, cũng muốn trung thực sòng phẳng vì dạo này đạo văn nhiều quá”.

Phóng viên tìm cách liên lạc với nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường nhưng được biết ông hiện ra nước ngoài thăm thân.


MỚI - NÓNG