'Chập chờn góc khuất' Điện Biên

'Chập chờn góc khuất' Điện Biên
TP - Sắp chẵn một hoa giáp (60 năm) ngày Giải phóng Điện Biên Phủ. Nhiều năm rồi, dịp 7/5, năm có năm không cũng cố mà mò lên Điện Biên. Cũng chả biết để làm gì. Cứ thấy háo hức thế nào... Nhớ lâu cái lần lên chứng kiến sự kiện tỉnh mới Điện Biên thành lập. Những thăm thẳm gập ghềnh đường ngược Mường Bum của huyện Mường Tè. May mắn được ngồi với hai người...

Chặp tối. Anh xe ôm chỉ đường cho tôi đến gặp người thư ký của Vua Thái Đèo Văn Long.

Đèo Văn Long?

Cái dòng họ Đèo ấy hình như phát từ ông bố Đèo Văn Long là Đèo Văn Trì. Tất nhiên đến đời ông con là phát hơn cả hơn hẳn lão bố chỉ khư khư cái chức bang tá.

Hoang hoải bâng khuâng cái cảm giác ban chiều khi thăm khu dinh thự Đèo Văn Long. Những mái ngói đã sụt võng. Những bức tường các mảng rêu xoắn vào, lở lói, đổ nát. Khu tàu ngựa dài dặc. Có hẳn một nền đất lổn nhổn gạch vụn nghe nói trước kia là sân đậu trực thăng của vua Đèo. Có một thứ thụ mộc là lạ trong sân Dinh. Ấy là một cây dừa cổ thụ. Ngước mắt theo đường dẫn lên chỏm lá tít tắp là cái thân mốc thệch dằng dặc lớp lớp những đốt, nghe đâu gần trăm năm trước, Đèo Văn Long cho võng dưới xuôi lên trồng.

Cũng có nghe nói Dinh thự gần như hoang phế này sẽ được tôn tạo giữ gìn?

Đèo Văn Long (áo trắng đứng bên ngoài cuối xe). Ảnh: T.L
Đèo Văn Long (áo trắng đứng bên ngoài cuối xe). Ảnh: T.L.

Đèo Văn Long có dính dáng gì đến vị thủ lĩnh người Thái Đèo Cát Hãn năm xưa không nhỉ? Đường lên Mường Lễ bao xa/ Trăm bảy mươi thác trăm ba mươi gềnh. Lợi dụng thế hiểm yếu của Mường Lễ của châu Ninh Viễn, Đèo Cát Hãn đã nổi loạn chống lại triều đình.

Đèo Cát Hãn đem quân đánh chiếm hai lộ Quy Hóa (Lào Cai) và Gia Hưng (khoảng giữa sông Mã sông Đà). Năm 1431 vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã sai hoàng tử Lê Tư Tề và quan Tư khấu Lê Sát làm tiên phong. Còn vua Lê Thái Tổ thì thân chinh dẫn đại quân lên châu Ninh Viễn, đánh tan quân của Đèo Cát Hãn.

Vua chiến thắng trở về đã tự tay đề bài thơ Trị quốc an bang lên vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ bắc ngã ba sông Đà. Ngày đề bài thơ ấy là ngày lành tháng Chạp năm Tân Hợi ( 1431) Bài thơ ấy có câu kết Sông núi từ nay nhập vào bản đồ.

Trong âm thanh lật phật của ngọn đèn dầu và chất giọng rực rỡ của chủ nhà, tôi như nghe được âm thanh của đàn ngựa nòi mấy chục con đêm đêm cứ lật bật trong tàu ngựa trong Dinh và mỗi chiều xuống đàn bò tràn vào vàng sậm cả cổng sau của Dinh. Rồi thi thoảng âm thanh phành phạch của tiếng trực thăng cất lên từ bãi đáp.

Hóa ra nhà ông ở ngay chính cái bản phía trước dinh thự phế tích của Đèo Văn Long!

Bản Chự! À quên bây giờ là phường Lê Lợi. Nhưng buồn nỗi, phường nhưng lại chưa có điện? Nghe nói có tên phường vì trước đây thuộc ngoại vi thị xã Lai Châu.

Oà từ trong cái nhà tối om om kia là một bó đóm. Quờ quạng bước thấp bước cao bám theo cái lưng của cậu xe ôm, tôi đổ xuống một con dốc hun hút dễ đến bảy mươi độ. Nhưng rồi cũng chẳng thể bám theo thắt lưng của người đằng trước được nữa vì quá dốc, tôi xệp người xuống để bò cho dễ.

Khi cái mông quần của tôi đã nhơm nhớp cái thứ đất đỏ quện với chút nước mưa bụi vì phải bệt xuống mà lê ấy, thì vừa lúc đã chạm cái cầu thang nhà sàn của người thơ ký Đèo Văn Long!

...Gọi là đèn cho sang thực ra đó là một mảnh giẻ dúng vào cái chai bia Vạn Lực. Trong thứ ánh sáng chập chờn đỏ đọc ấy, tôi nhìn ông bình thản chuyền ra những cái cốc thứ nước nâu nâu mà ông nói trên này vẫn uống thay chè, bổ máu lắm... Ông không lạ thứ khách như tôi. Cứ như ông nói là nhiều người Pháp du lịch ba lô đã đến gặp ông để tìm hiểu thêm về cái Dinh kia lẫn hỏi bà vợ ông về thể thức của một đêm xoè!

Xòe? tưởng mò đến đây chỉ để tò mò chuyện về ngôi dinh thự hoang phế kia hóa ra lại trúng nhà có người trong đội xòe của Vua Đèo một thuở?

Một góc Dinh thự Đèo Văn Long
Một góc Dinh thự Đèo Văn Long.

Chuyện đó xin được nói sau.

Chất giọng trầm trầm của ông lão đã tám mươi hai tuổi đang đưa tôi về cái thời ông tuổi mới đôi mươi...

...Khi ấy ông học xong primaire được chọn làm thư ký cho Chánh tổng Mường Lay Đèo Văn Nhêu. Đèo Văn Nhêu không phải anh em với Đèo Văn Long nhưng thế lực chánh tổng Mường Lay cũng không nhỏ. Nhờ những chuyến lẽo đẽo kinh lý thăm thú, ông đã có mặt hầu hết những địa danh như Sa Pa, Phong Thổ, Cốc Lếu, Than Uyên, Quỳnh Nhai... Có chuyến cắp tráp theo Đèo Văn Nhêu từng có mặt trong những đêm rượu, đêm xoè của Bố chánh Bạc Cầm Quý ở Sơn La.

Trước năm 1945, Đèo Văn Long mới là tri phủ. Nhưng là thứ tri phủ cộm cán. Pháp đã từng triệu Đèo Văn Long từ Lai Châu về Bắc Sơn Võ Nhai xa tít để Đèo hiến kế cho quan thày đàn áp quân phiến loạn đồng rừng. Đèo Văn Long có một quan thày khá thân thiết là viên quan năm Đơ Lin (De Line). Đơ Lin thạo tiếng ta, chữ Hán và cả tử vi.

Trước đó, Đèo Văn Long đã được Pháp đưa về học trường Bảo hộ với hàng loạt thủ lĩnh các vùng dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc như họ Vi, họ Đinh, họ Bạc... Chính ông nghe một lần viên quan năm này nói với Đèo rằng cái tuổi Dần (Đèo Văn Long sinh năm 1890) bản mệnh lẫn đường công danh vững lắm. Đờ Gôn cũng sinh năm ấy. Và... ông Hồ Chí Minh cũng tuổi ấy (!?) Sau năm 1945, Đèo Văn Long chạy theo Đơ Lin sang Tàu.

Năm 1946, mới là thời điểm đại phát của viên tri phủ họ Đèo này. Pháp bố trí Đèo Văn Long chức tỉnh trưởng Lai Châu. Chức ấy là to lắm bởi hợp lại của ba tỉnh Lai Châu, Phong Thổ, Mường Lay thành một khu tự trị. Cũng thời gian ấy ông được chánh tổng Đèo Văn Nhêu chấp thuận nguyện vọng đi học trường thông ngôn. Gọi trường cho oai. Thực chất là những “cua’’ tiếng Pháp khá bài bản do các sĩ quan Pháp như quan hai Côngtơrê, chuẩn uý Etmông Sabăng... trực tiếp đào tạo.

Học viên ít lắm, được lựa chọn kỹ càng từ hệ thống thơ lại thơ ký những toà sứ, bang tá, tri châu... Kết thúc khoá học, ông đỗ thứ ba. Khóa ấy, học viên của Sơn La đỗ thứ nhất, thứ nhì. Lai Châu thứ ba là ông. Tỉnh trưởng Đèo Văn Long có mặt trong buổi tuyên dương phát thưởng đã quyết định đưa ông về làm thư ký...

Thời gian lẫn tuổi tác khiến ông cũng nhạt nhòa đi nhiều thứ nhớ nhưng vẫn mồn một người vợ cả của vua Đèo. Người đẹp. Già rồi vẫn đẹp. Nhưng lạ, mặt lúc nào cũng cui cúi. Người đẹp ấy là Lò Thị Thinh của bản Trang Mường Bum. Bà vợ hai là Toòng Thị Thơm ở bản Nậm Nền Pa Ham của Mường Lay. Xứ ấy, tuyền gái đẹp. Hai người vợ ấy đã sinh hạ cho Đèo sáu người con trai mà cùng với thời điểm Đèo bố làm tỉnh trưởng.

Các Đèo con, sáu con trai lần lượt được bổ vào các chức đứng đầu các châu huyện để thuận tiện việc vơ vét của cải lẫn đàn áp canh chừng Việt Minh. Đèo Văn Long có quân đội riêng cả một binh đoàn. Các con Đèo cũng vậy, cỡ nhỏ hơn như tiểu đoàn. Dĩ nhiên tất tật đều cái anh Pháp giật dây cả!

Lần ấy phục dịch cho một viên quan Pháp dưới Hà Nội lên trong một đêm xoè ngay tại Dinh, Đèo bố biết tiếng Pháp nhưng không thích nói. Viên đại tá này mới sang Đông Dương ít ngày đã vù ngay lên xứ Thái tự trị này. Trên chồng nệm hoa văn Thái sặc sỡ, bên cái lò sưởi hút khí và thông gió thông khói rất tuyệt ấy cứ hồng rực cả đêm thứ gỗ bằng gốc Pơmu thơm sực, viên quan năm nghển cái cần cổ mập như cổ giống ngựa nòi trong tàu kia đang tía gắt lên bởi sức rượu, chăm chú nghe Đèo Văn Long giảng giải về cái lạ của Xoè.

Chắc ngài quá rành những điệu “đi” cổ điển rồi, những “van, tănggô’’ này khác rồi những điệu nhảy hiện đại bây giờ đang thịnh hành ở Âu Mỹ... Và cái gì nữa nhỉ, Ô, tôi nhớ ra rồi. Balê. Không phải tên gọi kinh đô ánh sáng của Mẫu quốc theo cách phát âm của Tàu mà là múa balê là vũ đạo. Nhưng cái thứ múa dân gian lâu đời của người Thái xứ tôi dường như nó pha trộn một cách tự nhiên một cách vô thức không hề có sự bắt chước những điệu nhảy cổ điển lẫn hiện đại với thứ vũ đạo balê ấy. Thứ vừa tôi nói đó là “Xòe’’. Ông cụ thân sinh ra tôi hồi đóng chức Bang tá đã có hẳn một đội xòe. Bây giờ mời ngài thưởng thức đội xòe của tôi...

Miệng cứ dịch đều đều nhưng trong ông dấy lên một chút ngạc nhiên bởi từ cái miệng vua Đèo mà ông đã từng nghe bao mệnh lệnh của sự giết chóc tàn phá những mưu mô này khác giờ cũng chính cái miệng ấy lại đang tròn vo phát ra âm thanh nuột nà của một thứ văn hoá?!

Những đêm như thế không nhiều như quãng thời gian hơn một năm ông làm thư ký cho Vua Đèo... Ông cạy cục với Vua Đèo cho ông vào làm thư ký Nhà dây thép Lai Châu vừa đang khuyết người. Đùng cái xảy ra vụ thụt két ở nhà dây thép. Ông có chạy lên chỗ Vua Đèo... Nhưng Vua ngoảnh mặt làm ngơ. Ông đành phải ra tòa rồi vào tù! Được một năm thì Đèo nhắn vào nếu mày vào lính thì tao cho ra... Ông chấp thuận.

Không làm thư ký thì làm lính cho Đèo. Cũng may không phải trận mạc bắn giết gì mà được giữ cái chân thư ký đại đội. May nữa là làm lính mới được sáu tháng thì Lai Châu giải phóng. Ông không chạy về Hà Nội rồi sau đó sang Lào với Đèo mà chấp nhận làm tù binh của Việt Minh.

Sau 6 tháng học tập cải tạo, ông được sung vào ngạch giáo viên chuyên công tác bình dân học vụ xóa nạn mù chữ cho đồng bào của mình... Lần đi xuôi mới nhất với ông cũng mới từ năm bảy mươi khi trên tổ chức cho giáo viên miền núi đi tham quan mô hình tiên tiến về giáo dục như trường Bắc Lý của Hà Nam và Hưng Yên...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.