Chánh án TAND Tối cao nói về việc khó thu hồi tài sản vụ đại gia Hứa Thị Phấn, ông Đinh La Thăng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đề cập đến việc khó thu hồi tài sản sau tuyên án, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình viện dẫn hai vụ liên quan đến bà Hứa Thị Phấn phải bồi thường hơn 10.000 tỷ, ông Đinh La Thăng phải đền bù 600 tỷ đồng.
Chánh án TAND Tối cao nói về việc khó thu hồi tài sản vụ đại gia Hứa Thị Phấn, ông Đinh La Thăng ảnh 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình tại phiên chất vấn

Thế giới coi trọng nghĩa vụ giải trình

Tại phiên chất vấn sáng 20/3, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn về thực hiện chính sách pháp luật trong thi hành án và thu hồi tài sản tham nhũng. Theo ông, thời gian qua, trong những vụ án tham nhũng, việc thu hồi tài sản có tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng.

“Thế giới người ta coi việc kết thúc một doanh nghiệp bê bết, thua lỗ như là một sự hồi sinh mới, một cơ cấu kinh tế mới. Cho nên đây là hoạt động bình thường và lành mạnh. Còn chúng ta coi phá sản là cái gì đó hết sức nghiêm trọng. Cho nên luật của chúng ta đang quy định rất ngặt nghèo về trình tự phá sản”, ông Nguyễn Hoà Bình.

“Thời gian tới, Chánh án TAND Tối cao phối hợp với các cơ quan liên quan như thế nào để thu hồi tài sản tham nhũng được nhiều và đạt được theo kỳ vọng của người dân?”, đại biểu nêu chất vấn.

Trả lời câu hỏi, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, trên thế giới và nước ta "không bao giờ thu hồi triệt để tài sản tham nhũng".

Theo ông, thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp với nhau rất tốt, nên tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt được 40%. Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương.

Giải pháp để thu hồi tài sản nhiều hơn nữa, ông Bình cho biết, theo quy định, chỉ thu hồi được những tài sản tham nhũng nếu như các cơ quan tố tụng (Công an, VKS, Toà án) chứng minh được tài sản đó có được từ nguồn gốc tham nhũng, nếu không chứng minh được rất khó thu hồi.

Do vậy, Chánh án cho rằng, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng phải nâng cao chất lượng, kịp thời phong toả tài sản có dấu hiệu tham nhũng.

Ông Bình cho biết, đối với thế giới, tham nhũng là tội đặc thù, cho nên bên cạnh chứng minh nguồn gốc tài sản, họ còn có cơ chế tăng nghĩa vụ giải trình của nghi can tham nhũng.

“Nếu họ có tài sản này mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp tài sản đó thì cũng xem là tài sản tham nhũng và bị tịch thu”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo Chánh án, khi sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng đặt ra vấn đề này, Quốc hội cũng thận trọng. Theo ông Bình, nếu làm được như các nước thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng sẽ rất cao.

Lý giải về bản án khó thi hành, theo ông Bình, có hai nguyên nhân. Một là tuyên án không rõ nên khó thi hành. Tuy nhiên, tỷ lệ tuyên không rõ của các bản án đã được khắc phục rất nhiều.

Nguyên nhân thứ 2, theo ông Bình là những bản án tuyên rõ rồi, đúng rồi, nhưng không thi hành được. Chánh án ví dụ vụ Trustbank, bà Hứa Thị Phấn làm mất của ngân hàng hơn 10.000 tỷ đồng. Toà buộc phải tuyên bà Phấn bồi thường số tiền đó. Nhưng tuyên xong bà ấy chết.

Ví dụ khác được Chánh án nêu xoay quanh vụ vụ án Ocean Bank, liên quan đến ông Đinh La Thăng, vụ án này làm mất 800 tỷ, trách nhiệm dân sự các bị cáo trong vụ án phải chia đều theo thị phần bồi thường 800 tỷ đó.

“Ông Đinh La Thăng phải đền bù 600 tỷ, đã đi tù rồi. Đây là bản án khó thi hành nhưng không tuyên không được. Cách nào để bản án thực thi trên thực tế thì chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp”, ông Bình cho hay.

Đề xuất thành lập toà phá sản chuyên biệt

Nêu chất vấn, đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) đặt câu hỏi: Trong báo cáo của TAND Tối cao, Quốc hội có nêu, tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp chưa cao. Chánh án cho biết, nguyên nhân, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác, giải quyết các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp?

Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định án phá sản “đang có vấn đề”. Các quy định về phá sản của chúng ta khác nhiều nước trên thế giới. Các nước quan niệm, phá sản là một quá trình phục hồi của doanh nghiệp, nên người ta gọi là Luật Phá sản và phục hồi, chứ không phải chỉ thuần tuý là phá sản.

“Người ta coi việc kết thúc một doanh nghiệp bê bết, thua lỗ như là một sự hồi sinh mới, một cơ cấu kinh tế mới. Cho nên đây là hoạt động bình thường và lành mạnh. Còn chúng ta coi phá sản là cái gì đó hết sức nghiêm trọng. Cho nên luật của chúng ta đang quy định rất ngặt nghèo về trình tự phá sản”, ông Bình cho hay.

Chánh án viện dẫn về điều kiện mở thủ tục, đóng kinh phí khi phá sản… “Người ta đã hết tiền rồi còn yêu cầu đóng kinh phí mở thủ tục phá sản. Phá sản tức là không còn tiền, lại phải bắt đóng kinh phí nữa, đây là những quy định bất cập”, ông Bình cho hay.

Chánh án cũng khẳng định, hơn 6 nghìn thẩm phán rất giỏi trong xét xử các vụ án hình sự, dân sự, nhưng tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm trong các vụ án phá sản còn thiếu.

Giải pháp khắc phục tình trạng này, ông Bình kiến nghị Quốc hội sửa Luật Phá sản để tháo gỡ khó khăn hiện nay; bên cạnh đó nâng cao trình độ của thẩm phán về xét xử các vụ án phá sản.

Đặc biệt theo Chánh án, đây là một loại án riêng biệt, cần có chuyên môn sâu, cho nên trong lần sửa đổi luật sắp tới, đề nghị Quốc hội cho phép hình thành toà phá sản chuyên biệt.

“Toà này được hình thành ở những trung tâm kinh tế lớn, để chuyên xét xử các vụ án về phá sản và không xét xử các vụ án khác”, theo Chánh án, nếu được thành lập như vậy thì tính chuyên môn trong xét xử các vụ án phá sản sẽ được nâng cao, chất lượng xét xử trong thời gian tới sẽ tốt hơn.

MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.