Sau phát biểu mở đầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong thời gian buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phần chất vấn 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án, cụ thể gồm:
Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Công tác cán bộ của ngành tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán và các công chức ngành tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành tòa án.
Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ.
Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề trong sáng 20/3 |
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ năm 2018 đến nay, các Tòa án đã giải quyết được 2.427.859 vụ án các loại trong tổng số 2.490.699 vụ án đã thụ lý. So với cùng kỳ của 05 năm trước (2013-2017), số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết tăng 507.849 vụ; đã giải quyết tăng 487.903 vụ.
Về đội ngũ cán bộ, công chức, theo ông Bình, tính đến 31/12/2022, Tòa án nhân dân có 13.339 người. Về trình độ chuyên môn, có 4 Phó giáo sư; 54 Tiến sỹ, 2.494 Thạc sỹ, 10.567 cử nhân và 220 trình độ khác.
Về tổng kết thực tiễn xét xử, Chánh án khẳng định, nội dung này tiếp tục được tăng cường cả về phương thức thực hiện cũng như chất lượng. Nhiều vấn đề phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm mà các Tòa án đang gặp khó khăn, vướng mắc đã được tổng hợp và được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết kịp thời.
Về Nghị quyết số 33/2021/QH15, ông Bình cho biết, ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đồng thời đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện việc xét xử trực tuyến.
Đồng thời tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Nghị quyết với sự tham gia của toàn thể Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên Tòa án nhân dân các cấp…