Chàng khùng xứ ngàn hoa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi quen biết nghệ sĩ MPK– tên thường gọi là Phước “khùng” 25 năm, trong thời gian ấy cuộc đời biết bao đổi thay mà “Gã khùng đáng yêu” của xứ Đà Lạt sương mờ thì vẫn vậy: Một ba lô, máy ảnh trên vai.
Chàng khùng xứ ngàn hoa ảnh 1
Chân dung nhiếp ảnh gia MPK. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Ý tưởng độc lạ

Năm 1996 tôi lên Đà Lạt và được nhà báo nhà thơ Uông Thái Biểu giới thiệu một “kỳ nhân” tóc dài tới bụng, chiếc ba lô bạc thếch và chiếc máy ảnh cũng xây xước, muốn vỡ nát. Người ấy đi tới đâu thì chẳng phải du khách mà dân Đà Lạt cũng dõi theo mỉm cười. Anh là MPK (M - Michel tên thánh, PK nghĩa là Phước “khùng”, tên thật là Nguyễn Văn Phước).

Chúng tôi gặp nhau ở Cà phê Tùng, một quán cà phê có từ trước 1975. Anh Phước nói: “Quán này trước kia Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Lê Uyên - Phương… đều ngồi mỗi sáng. Xứ ngàn hoa này có dòng máu nghệ thuật chảy trong nó em ạ. Nghệ thuật của Đà Lạt, tóm gọn trong một chữ là đẹp: Xứ này quá đẹp!”.

Tôi và Phước khùng đi chụp ảnh Đà Lạt. Khi đó tôi đang là một phóng viên ảnh thông tấn và những gì chúng tôi học và làm việc dường như chẳng liên quan gì tới công việc của MPK.

MPK không phải nghệ sĩ nhiếp ảnh mà anh là một ông vua sáng tạo về nghề nhiếp ảnh. Anh chụp Đà Lạt từ mọi góc độ, từ trong quán cà phê, trên núi cao, dưới khe suối và cả trong phòng ngủ của mình. Bất cứ đâu, anh cũng nhìn ra một bức ảnh đẹp lạ lùng. Đó là chiếc lá rơi ngang tầm mắt, đó là mặt trăng treo trên khung cửa sổ, đó là bóng cây đổ xuống ngay dưới chân người nghệ sĩ…

Trong khi người ta phải đau đáu đi tìm đề tài sáng tác thì bất kỳ chỗ nào, lúc nào Phước khùng cũng có thể bấm máy và cho ra một bức ảnh khiến người ta phải trầm trồ. Mọi thứ đều có thể là một bức ảnh đẹp dưới con mắt MPK và phải là người yêu Đà Lạt, yêu cuộc sống đến sâu đậm tới mức nào người ta mới có thể biến mọi thứ trong cuộc đời này thành nghệ thuật. Và có lẽ vì thế mà người ta gọi anh là “khùng” - theo cái nghĩa đáng yêu nhất mà người Đà Lạt hay gọi nhau: “Ê thằng khùng kia!”, “Ông đúng là khùng!”.

Chàng khùng xứ ngàn hoa ảnh 2
Tác phẩm “Yêu” của MPK

Gặp lại Phước khùng sau nhiều năm, anh nói: “Em biến đi đâu lâu thế!”, rồi anh bảo: “Ra cà phê Tùng đi!”.

Tôi và MPK lại nói chuyện về nhiếp ảnh, câu chuyện duy nhất giữa hai anh em chúng tôi, bao năm nay vẫn thế. Người ta thì nói về chuyện sở hữu nhà, xe, đất, rồi chuyện chức nọ, tước kia… còn anh chàng “khùng” vẫn chỉ là chuyện cái máy ảnh.

Anh khoe với tôi: “Anh mới chụp được hình mấy trái hồng đẹp và lạ lắm”. Anh lại nói: “Vẫn mê chụp phim, mỗi khi làm triển lãm anh vẫn chụp bằng máy phim”.

Ai lên Đà Lạt cũng biết hồng Đà Lạt nổi tiếng, ngon, thơm. Người ta mua hồng sấy khô về làm quà. Nhưng có ai lại nghĩ đến việc biến trái hồng Đà Lạt làm chủ đề cho một cuộc nhiếp ảnh? Người đó chỉ có thể là Phước khùng.

Theo MPK, người theo nghề nhiếp ảnh có hai loại. “Loại thứ nhất là chụp ảnh theo phong trào, anh em chụp gì thì theo chụp nấy. Anh em không chụp nữa thì mình cũng giải nghệ. Loại thứ hai là chụp ảnh theo nội tâm, theo tiếng gọi tình yêu với nhiếp ảnh, loại này thì chỉ có cái chết mới chia lìa được người ta với cái máy ảnh thôi”.

Điểm lại những người chụp ảnh cùng thời, nhiều người rất tiếng tăm, triển vọng của những năm 1990, phần lớn họ đã giải nghệ hoặc chỉ còn chụp ảnh để giải trí tuổi xế chiều. Phước khùng thì khác. Anh nói: “Anh đang bận rộn chuẩn bị cho triển lãm ảnh kỷ niệm 130 năm Đà Lạt cuối năm nay. Chẳng nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu triển lãm ảnh nữa, nhiều lắm, cỡ 30 triển lãm rồi!”.

Yêu Hà Nội

Tôi gặp MPK tại Đà Lạt năm 1996 thì năm 1997 anh ra Hà Nội làm triển lãm ảnh đầu tiên của mình tại thủ đô.

Anh không ở khách sạn mà đến chỗ nhà tôi trọ để ở. Chỗ nhà tôi trọ có nhiều anh em nghệ sĩ như nhạc sĩ Xuân Thủy, anh Văn Hiệp sinh viên khoa “Lý sáng chỉ” của nhạc Viện, nên anh em tha hồ trò chuyện.

Tôi chở anh đi phóng ảnh ở phố Bà Triệu. Anh mang ra một thùng đạn đựng phim. Triển lãm được sự giúp đỡ rất lớn từ nhà thơ Giáng Vân, một người yêu thích ảnh MPK. Chị Giáng Vân cũng là một người đàn chị trong giới văn chương của tôi.

Triển lãm đang diễn ra sôi nổi và ngày đón hàng ngàn người đến xem thì chẳng biết đâu tung tin ra là “triển lãm có vấn đề”. Hẳn những bức ảnh của anh cuốn hút giới trẻ bao nhiêu thì cũng có những kẻ dị ứng bấy nhiêu?

Anh Phước nói với tôi: “Anh ra đây triển lãm mà cứ bị soi “có vấn đề” thế này thì anh về Đà Lạt cho khỏe. Em và mọi người ở lại trông coi triển lãm. Đến ngày bế mạc thì anh em văn nghệ ai thích bức nào, anh tặng bức ấy. Số còn lại, em đóng gói gửi vào cho anh”.

Tôi tiễn anh ra sân bay khi triển lãm vẫn còn tấp nập khách vào xem và không ai biết vì sao chàng khùng xứ ngàn hoa đã “không cánh mà bay” khỏi triển lãm của chính mình.

Chàng khùng xứ ngàn hoa ảnh 3
Tác phẩm nghệ thuật “Chiếc lá” của MPK

Cái tin đồn “triển lãm có vấn đề” thực ra cũng chỉ là một tin đồn. Triển lãm vẫn diễn ra cho đến tận ngày bế mạc.

Nhạc sĩ Xuân Thủy cùng các bạn hữu đến chọn ảnh đem về treo, một số ít còn lại, tôi đóng gói gửi vào Đà Lạt cho MPK.

Bất chấp “sự cố đầu đời” khi xuất hiện ở Hà Nội năm 1997, những năm qua, Phước khùng có nhiều triển lãm tại Hà Nội và anh rất yêu khán giả Hà Nội. “Người Hà Nội rất sâu lắng, họ không hời hợt, người ta xem từng bức ảnh và suy ngẫm bình phẩm về chúng rất nhiều. Điều đó là một thách thức, cũng là một động lực cho người nghệ sĩ sáng tạo. Tôi rất yêu Hà Nội”, MPK nói.

Một con người lang bạt bao nhiêu năm trời, giờ nếm hương vị mái ấm gia đình, quả là khác lạ. MPK nói: “Mẹ cho anh một chút tiền để mua đất, mua nhà nhỏ trong hẻm. Nhà bé xíu thôi. Nhưng lần đầu tiên anh thấy cái gọi là sổ đỏ, rồi thấy mấy chữ: sử dụng riêng, lâu dài. Từ bé đến giờ mới biết được mấy chữ ấy”.

Bước rẽ bất ngờ

Hình ảnh Phước khùng rong ruổi giữa phố thị và đại ngàn, chụp ảnh, vui chơi cùng chúng bạn nghệ sĩ, lang thang trong các buôn làng đã in sâu vào bạn bè và người thân.

Mấy năm trước, tin “Phước khùng lấy vợ” khiến anh em nghệ sĩ xôn xao cả lên. Những gì bình thường nhất với người bình thường thì lại là “bất thường” đối với MPK. Không chỉ bạn bè mà gia đình của anh cũng không tin đó là sự thật.

MPK làm đám cưới nhỏ, nhưng bạn bè quay clip phát trực tiếp lên mạng xã hội và mẹ của anh ở Mỹ nghe mọi người truyền tin đã mở ra xem. Bà gọi điện cho con trai: “Con lấy vợ hả Phước?”. Chú rể vừa ôm hoa cưới vừa trả lời: “Dạ thưa mẹ, con lấy vợ đây”. Mẹ hỏi: “Con quen cô ấy lâu chưa?”. Anh đáp: “Dạ! Con quen được 3 ngày mẹ ạ”.

Trước đây, MPK cũng trải qua một vài mối tình lãng mạn, thậm chí được lên báo. Phước khùng nói với tôi: “Nhiều người yêu anh, nhưng anh vẫn cảm thấy giữa họ với mình có những khoảng cách không thể san lấp được đâu. Riêng với Thủy Tiên, ngay từ câu chuyện đầu tiên mình cảm thấy đây chính là người mà mình tìm kiếm bấy lâu, đã thế thì còn chần chứ gì nữa mà không xin cưới cô ấy”.

Thủy Tiên là một nhà văn trẻ, học ở Trường viết văn Nguyễn Du. Cô cùng các nhà văn đi thực tế ở Đà Lạt, trong số đó có cả nhà báo nhà thơ Lê Anh Hoài (báo Tiền Phong). Có lẽ cô không thể ngờ từ chuyến đi ấy, từ cuộc hội ngộ trong cà phê Tùng, cô sẽ lên xe hoa với người nghệ sĩ nhiếp ảnh đồng điệu về tâm hồn dù hơn cô 35 tuổi.

Cà phê Tùng cuối hè 2023, trời mưa tầm tã. Người nghệ sĩ tóc dài nói: “Giờ hễ mưa là Đà Lạt bị ngập. Con người ngày nay không chừa chỗ cho thiên nhiên, tranh giành chỗ ở với thiên nhiên”.

Nhưng giờ đây MPK không còn buồn nhiều vì các trận mưa rừng. Anh nói: “Anh đã có nơi chốn đi về, với vợ, với con. Ngày nào anh cũng hát, vui đùa, dạy con vẽ, dạy con hát. Gửi con vào trường học, lại vác máy ảnh lên đồi chụp hoa, chụp sương và nghêu ngao hát rồi chụp những góc phố cũ mới thay đổi từng ngày”.

MỚI - NÓNG