Đà Lạt mộng mơ và mê dụ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Kỷ niệm 130 năm hình thành phố núi Đà Lạt (1893-2023), bên bờ hồ Xuân Hương (nơi được ví như trái tim của thành phố) có một vị trí thật đẹp để các nghệ sĩ, nhà sưu tầm đồ cổ tổ chức các show diễn hoặc trưng bày những hiện vật tâm đắc nhất của mình, phục vụ miễn phí cho du khách và người dân địa phương.

Hội tụ 9 cây nêu “linh vật” của Tây Nguyên

Sau hơn 40 năm dày công tìm kiếm, nhà sưu tầm cổ vật Đặng Minh Tâm (phường 3, Đà Lạt) đang sở hữu bảo tàng cá nhân về văn hóa - nghệ thuật Tây Nguyên vào loại lớn nhất, độc đáo nhất Việt Nam. Ông còn gây choáng khi mở cuộc triển lãm vô tiền khoáng hậu: Phục dựng 5 nhà rông, nhà sàn với kiến trúc truyền thống tiêu biểu tại không gian “Thiên đường Tây Nguyên” bên bờ hồ Xuân Hương (TP Đà Lạt). Đó là nhà dài của người Ê Đê, nhà rông của dân tộc Xê Đăng, nhà sinh hoạt hằng ngày của người K’Ho, nhà rông và nhà sàn của dân tộc Ba Na.

Đồng thời, ông mang ra trưng bày hàng ngàn hiện vật đặc sắc, nhuốm màu thời gian của các tộc người thiểu số để du khách hoài niệm về miền đất Tây Nguyên từ thuở sơ khai. Anh Nguyễn Phi Long (đến từ TP Huế) dừng lại khá lâu trước chiếc “ngai vàng” được cho là độc nhất và vô giá làm từ nhiều đốt xương voi cực lớn, kết lại bằng dây rừng và cài hai răng nanh làm tăng vẻ uy dũng. Thấy anh Long có vẻ thích thú, ông Tâm hào hứng kể: “Chiếc ghế này chỉ dành riêng cho “vua voi” ngồi làm lễ, thực hiện các nghi thức cúng thần linh trước khi những thợ săn lão luyện vào rừng săn những chú voi con đưa về thuần hóa, phục vụ việc đi lại, kéo gỗ”. Trong lúc cho chúng tôi xem cái cùm chữ V dùng để săn bắt voi, ông Tâm giải thích: Cùm được làm từ 2 cây gỗ có gai, được buộc lại bằng dây mây. Khi săn được con voi, người ta tra cái cùm này vào cổ chúng. Voi càng chống trả thì cùm càng siết chặt, những chiếc gai đâm vào cổ làm voi đau đớn, nhanh được thuần hóa hơn.

Đà Lạt mộng mơ và mê dụ ảnh 1

Toàn ảnh không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên

Tại gian trưng bày chiêng chóe, một nhà khảo cổ nhận xét: Chiêng chóe là của cải quý giá của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, đánh dấu sự giàu có và địa vị của các gia đình, dòng tộc. Một cái chóe quý hiếm có thể đổi hàng chục con trâu. Ngày trước, chiếc chóe bợm này có thể dùng để thế mạng cho gia chủ. Còn ở lối vào của không gian triển lãm, du khách được tận mắt chứng kiến một số nghệ nhân người Mạ, K’Ho, Gia Rai, M’Nông (đến từ các huyện của tỉnh Lâm Đồng hoặc các tỉnh khác của Tây Nguyên) tô điểm cho các cây nêu.

“Có 9 cây nêu được dựng tại đây, đại diện cho 5 dân tộc tiêu biểu ở Tây Nguyên. Sống giữa núi rừng với nhiều hiểm họa như thiên tai, thú dữ, bệnh tật... nên dân làng dựng cây nêu trong lễ hội để cầu xin thần linh che chở; đồng thời xua đuổi tà ma. Cây nêu thường được làm rất công phu, nhiều người cùng góp sức nhưng phải mất hơn một tuần mới xong”, nghệ nhân K’Mếk (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) chia sẻ. Ông Tâm cho biết thêm, cây nêu của các tộc người thiểu số xuất hiện khắp các lễ hội, từ lễ thêm tuổi, bỏ mã, lập buôn đến cúng lúa mới, cúng bến nước... Mỗi cây nêu có sắc thái huyền bí riêng mang đậm dấu ấn của một tộc người; nhiều cây được điêu khắc hình chim T’lang, “sứ giả” mang ước nguyện của dân làng đến thế lực siêu nhiên.

Đà Lạt mộng mơ và mê dụ ảnh 2

Nhà sàn Tây Nguyên được phục dựng ven hồ Xuân Hương

Cây nêu cúng dựng làng mới của người Ba Na vươn cao hơn hẳn các cây khác. Cột chính ở giữa chủ yếu được sơn màu đỏ, tượng trưng cho ngọn lửa. Phần ngọn của cây cột chính lại được chia làm 7 tầng, tượng trưng các tầng cư ngụ của các thần linh, trên ngọn cây nêu có 3 vòng tròn, vòng trên cùng tượng trưng cho Mặt trời. Cây nêu của người Ê Đê thấp và cứng cáp nhất, chủ yếu làm bằng gỗ. Phần ngọn bao giờ cũng được đẽo nhọn hình bông chuối, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, con đàn cháu đống.

Gợi nhớ thuở hồng hoang

Bắt đầu từ trung tuần tháng 8 này, tại “Thiên đường Tây Nguyên” có chương trình ca múa nhạc dân tộc do nhóm nhạc Lang Biang thực hiện. Mỗi tuần có các suất diễn từ 15h - 18h vào thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật. Những bạn trẻ K’Ho ở thị trấn Lang Biang sẽ múa xoang, diễn tấu cồng chiêng, biểu diễn từ 8-10 ca khúc nổi tiếng về Đà Lạt - Lâm Đồng và các tộc người sinh sống lâu đời ở miền đất này.

“Được trò chuyện cùng ông Tâm và xem nhiều hiện vật ở Thiên đường Tây Nguyên khiến cuộc sống của chúng tôi càng thêm phong phú. Được chia sẻ những kiến thức về nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam quả là một đặc ân. Chúng tôi nghĩ đây là cách rất hay để làm sống mãi truyền thống lịch sử của các dân tộc”.

vợ chồng nhà hoạt động văn hoá đến từ Nam Phi

Reva và Mikaela Goldsmith trải lòng

Giữa núi đồi trầm mặc và hồ Xuân Hương êm đềm thơ mộng, giọng ca truyền cảm của nam ca sĩ Dagout Brice Liem (người Lạch) khiến những ca từ của ca khúc “Anh muốn sống bên em trọn đời” (nhạc sĩ Nguyễn Cường) bật lên hào sảng nhưng cũng rất da diết. Dường như giữa một nhạc sĩ là người con của thủ đô nhưng mang tâm hồn của nắng gió, đại ngàn Tây Nguyên và chàng ca sĩ sinh ra dưới chân núi Lang Biang huyền thoại có một sự đồng điệu sâu sắc. Trước đó, Brice Liem từng cùng các thành viên của ban nhạc Hoa đất chiếm vị trí quán quân tại Liên hoan Ban nhạc và Bạn trẻ 2001, mặc dù Hoa Đất mới chính thức thành lập được một tuần trước khi diễn ra Liên hoan này.

Đà Lạt mộng mơ và mê dụ ảnh 3

Du khách hòa cùng vòng xoang với các nghệ sĩ Lang Biang

Không chỉ diễn tấu cồng chiêng điêu luyện, Brice Liem cùng hàng chục chàng trai, sơn nữ Lang Biang còn làm say lòng người với các bài hát đậm chất dân ca như Em hãy về, Lang Biang S’Ning… của già làng Krajăn Plin; Gọi gió, Lời suối gọi, Nồng nàn cao nguyên, Hồn thiêng Chư Yang Sing của nhạc sĩ Krajan Dick; Đôi chân trần, Chim phí bay về cội nguồn, Đi tìm lời ru mặt trời của cố nhạc sĩ Y Phôn Ksơr…

Mỗi ngày, không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên” thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, nghiên cứu, chụp ảnh...; đặc biệt là những hôm có các chương trình diễn tấu cồng chiêng, trình diễn thời trang trên sân khấu nổi ở hồ Xuân Hương.

Đặc biệt, sở hữu chất giọng như có lửa, ca sĩ Y Nhíp, người con của núi rừng Tây Nguyên, đã sưởi ấm lòng người xứ lạnh với ca khúc Giữ ấm bếp hồng của già làng Krajăn Plin. Năm 2021, với ca khúc này, Y Nhip cùng tốp bè Quỳnh Như, Y Nhơn và Y Ngũch (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Kon Tum) đã được Bộ VH-TT&DL trao huy chương vàng tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc.

Bên cạnh việc diễn tấu cồng chiêng và trình bày ca khúc, các nghệ sĩ Lang Biang còn giao lưu với khán giả qua điệu múa xoang, hướng dẫn sử dụng các nhạc cụ truyền thống ở Tây Nguyên như đàn đá, đàn T’rưng, cồng chiêng; các loại trống làm từ da của nhiều loài thú rừng như voi, trâu, nai, trăn… Bạn Nguyễn Nhã Uyên (đến từ quận 3, TP HCM) thổ lộ: “Nghe nói Khu triển lãm Thiên đường Tây Nguyên rất thơ mộng, có nhiều cổ vật quý hiếm, nhiều góc check - in tuyệt vời, do đó vừa đặt chân tới TP Đà Lạt là em đến đây ngay. Không ngờ còn được xem chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc thật độc đáo”.

MỚI - NÓNG