Trịnh Vũ Hiếu cũng là một họa sĩ từng trải qua các giai đoạn đầy thách thức nhưng vô cùng quyến rũ của hội họa biểu hình, cũng lạc lối trong mê cung của thế giới hình ảnh, cũng bấn loạn cùng vô số các trào lưu ngợp bóng các danh họa. Để rồi tới lúc, anh chợt nhận ra con đường hội họa lớp lớp dấu chân “tuẫn đạo” kia, chỉ là ảo ảnh của duy nhất một con đường, vốn dĩ an định sẵn trong mỗi người, “chỉ cần” tĩnh trí soi xuống lòng hồ tâm tưởng sẽ có cơ may nhận ra, dung mạo của chính mình...
Nghệ sỹ từng nói, khi tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu, về hầu đồng, điểm hấp dẫn nhất anh phát hiện ra, là sự an tâm, an trí nhất thời của những người được tham gia nghi lễ. Họ tìm thấy ở “cửa Mẫu”, ở các “giá Cô, giá Cậu” một nơi che chở, ẩn náu trước những bấn loạn tinh thần. Và anh cũng nhận ra, khi thực hành hội họa, theo một cách nào đó, tương tự như các nghi thức hầu đồng, rốt cuộc, anh cũng có được cảm giác rất gần với sự yên tịnh. Chính bởi thế, cách Trịnh Vũ Hiếu thực hành hội họa và biểu hiện cuối cùng của nó trên mỗi bề mặt tranh, tưởng cũng rất ngược đời.
Bắt đầu với những quy chiếu hình ảnh của tín ngưỡng thờ Mẫu, rồi tới quá trình phủ định hình ảnh bằng các thao tác của kỹ thuật dập, xóa. Hiếu nói, chính quá trình phủ định này mới thực sự là quan trọng đối với anh, không phải với mục tiêu thực hành theo một phong cách có thể gọi tên là Trừu tượng biểu hiện, mà thời gian dành cho sự dập xóa chính là thời gian tâm trí anh luôn chờ đợi để có thể tiếp cận tới sự yên tịnh.
Kết quả của một quan niệm hội họa, kết quả của một quá trình – nếu có thể gọi tên là Thực hành tâm linh ấy, là 11 bức tranh sơn dầu cùng kích thước với tên gọi Tĩnh lặng số 1 đến 11, được thực hiện trong khoảng thời gian ba năm trở lại đây, sau rất nhiều các cuộc tham gia trưng bày nghệ thuật hội họa, nhiếp ảnh, gốm từ khoảng năm 2003 của Trịnh Vũ Hiếu.
Cùng xem 11 bức tranh sơn dầu với tên gọi Tĩnh lặng số 1 đến 11: