Chậm là mất

TP - Sân bay Long Thành là dự án quan trọng của quốc gia. Dự án luôn nằm trong sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cũng như sự trông đợi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo kế hoạch tổng thể, dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này những việc chuẩn bị cần thiết vẫn chưa đâu vào đâu. Những công đoạn quan trọng như thẩm định dự án và giải tỏa mặt bằng còn đang ì ạch, ngổn ngang, chậm so với tiến độ. Do vậy, những tín hiệu về ngày khởi công xây dựng và kể cả thời điểm hoàn thành các hạng mục, giai đoạn như đặt ra khó trở thành hiện thực.

Là cảng hàng không đạt cấp 4F, dự án sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích hơn 5.300ha, có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn năm 2050. Do vậy, không chỉ đóng vai quan trọng đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sân bay Long Thành còn được kỳ vọng là đòn bẩy  cho nền kinh tế Việt Nam “cất cánh”. Dự án này còn là cứu cánh cho sân bay Tân Sơn Nhất vốn đã “chìm” trong nước ngập và sự quá tải.

Cũng chính vì vậy, mỗi giờ máy bay chậm cất cánh ở sân bay Long Thành là một giờ cơ hội phát triển của đất nước bị bỏ lọt dưới cánh bay. Sẽ khó có thể đo đếm những thiệt hại, lãng phí do sự chậm trễ này. Nhưng hoàn toàn có thể hình dung những thách thức, gánh nặng ngày càng chất chồng đối với nền kinh tế, với mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân khi kinh phí đầu tư sẽ đội lên, những món nợ công cũng sẽ tăng cao trong khi cơ hội giao thương, hàng hóa lưu thông bị đình trệ…

Điều gì dẫn đến hệ quả đó? Sự chằng chéo của cơ chế đầu tư công là một trong những nguyên nhân quan trọng được nhận diện. Sân bay Vân Đồn là một ví dụ. Khi giải phóng khỏi những giăng mắc thủ tục, quy định, dự án nhanh chóng được “cất cánh” và đón những chuyến bay đầu tiên trong sự hân hoan của người dân, nhà đầu tư và du khách. 

Sự trì trệ, thiếu quyết tâm cao độ của bộ máy thực thi nhiệm vụ cũng là nguyên nhân được chỉ ra. Tôi đã từng có dịp đi dọc ngang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) gần đây và thật ngỡ ngàng, chỉ trong thời gian 3 năm, khoảng 2.000 km đường cao tốc với khối lượng công việc khổng lồ nhưng đã cơ bản được hoàn thành. Không biết họ có những bí quyết gì, nhưng chắc rằng, nếu không có sự quyết tâm của những con người thực thi nhiệm vụ, những con đường xuyên trùng trùng núi cao và nối nghìn vực sâu không thể về đích trong thời gian ngắn như vậy.

Chúng ta từng có tiền lệ thành công khi thay đổi mô hình đầu tư từ công sang tư và từng có nhiều bài học thành công khi có những quyết tâm chính trị. Mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm quyết liệt, khoa học chắc chắn những công trình thế kỷ sẽ hoàn thành trong một thập kỷ.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.