Người dân lo kế sinh nhai sau khi 'nhường chỗ' sân bay Long Thành

Bà Lâm Thị Cúc lo lắng về nơi ở mới có được buôn bán để ổn định cuộc sống như hiện tại hay không
Bà Lâm Thị Cúc lo lắng về nơi ở mới có được buôn bán để ổn định cuộc sống như hiện tại hay không
TP - Dù chấp hành nghiêm túc việc di dời, giải tỏa để nhường đất cho dự án sân bay Long Thành nhưng hàng chục người dân ở trong vùng dự án vẫn lo lắng về kế sinh nhai sau khi chuyển tới khu tái định cư.

Gia đình bà Lâm Thị Cúc (ngụ tại ấp 3, xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) thuộc diện giải tỏa trắng. Với 5 nhân khẩu, cuộc sống gia đình bà dựa vào 1ha đất vườn và một quán nước giải khát nhỏ ven Tỉnh lộ 10. Hằng ngày, bà cùng chồng dậy sớm bán đồ ăn sáng rồi dọn thêm quầy nước giải khát. Dù thu nhập không cao nhưng có đồng ra đồng vào, đủ trang trải cuộc sống. Bây giờ, nhà nước thu hồi đất, gia đình đã lo xong thủ tục kiểm đếm và chờ ngày nhận tiền để về nơi ở mới. Tuy nhiên, vợ chồng bà Cúc vẫn canh cánh nỗi lo: “Về nơi ở mới không biết có còn buôn bán được nữa không. Hai vợ chồng đã già, bây giờ đi làm thuê không ai mướn, còn không làm biết sống bằng gì?”.

Là cán bộ hưu trí, ông Nguyễn Văn Hiệp (ấp 3 xã Cẩm Đường) làm đơn xin nhận tiền sớm và là 1 trong 17 hộ dân đầu tiên được nhận tiền bồi thường. Với hơn 3ha đất, ông Hiệp nhận khoản tiền đền bù khá lớn. Vốn quen với làm vườn, ông Hiệp dự định tìm mua đất làm vườn, nhưng những ngày qua hỏi đất vườn xung quanh vùng dự án sân bay, người bán ra giá từ 2,2 tỷ đồng đến 2,8 tỷ đồng/1.000m2. Ông Hiệp nói: “Người ta hét giá cao quá, muốn làm vườn chỉ có đi những nơi khác xa hơn mới mua nổi đất”.

Tất cả các hộ dân hai bên Tỉnh lộ 10 phải di dời đến nơi ở mới để nhường đất xây dựng sân bay. Khuôn mặt đầy vẻ ưu tư, anh Nguyễn Văn Thanh cho hay: “Cha mẹ cho tôi ở riêng, nhưng do dự án sân bay nhiều năm không thực hiện nên đất không được tách thửa. Nay tôi chỉ được đền bù  căn nhà cấp 4 với tổng số tiền trên 500 triệu đồng, về  khu tái định cư sau khi trả tiền đất, tiền hạ tầng, tôi không đủ tiền xây nhà”.

Còn anh Ngô Minh Tú (ở ấp 11, xã Bình Sơn) cho biết, anh chỉ  làm thuê  trong vùng quy hoạch dự án sân bay Long Thành, công việc không ổn định. Sau khi giải tỏa, anh xin đăng ký học lái xe theo đề án chuyển đổi nghề để có việc làm phù hợp khi về nơi ở mới. Còn ông Nguyễn Đương (ở ấp Suối Trầu, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) cho biết, các con ông trước nay làm nghề cạo mủ cao su, bản thân ông  đã lớn tuổi  mở một quán nước bán kiếm sống hàng ngày. “Sắp tới nhà nước thu hồi đất, không còn cây cao su, chúng tôi chưa biết tính sao!”, ông Đương lo lắng.

MỚI - NÓNG