Chấm dứt tình trạng bán thầu khi làm cao tốc Bắc – Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Vụ án vừa qua ở gói Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có một số gói thầu do bán thầu như vậy nên định mức vật tư bị ảnh hưởng, làm giảm chất lượng công trình”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu.
Chấm dứt tình trạng bán thầu khi làm cao tốc Bắc – Nam ảnh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ. Ảnh: Như Ý

Chặt khúc” làm trạm thu phí không hợp lý

Chiều 6/1, thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường băn khoăn khi tổng mức đầu tư của dự án là 146.000 tỷ đồng cho 729km. Ông đề nghị Bộ GTVT tính toán định mức kỹ thuật.

Theo Báo cáo Kiểm toán Nhà nước góp ý cho dự án này, suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam là 152,9 tỷ đồng/km (không gồm giải phóng mặt bằng). Về việc này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị Bộ GTVT tính toán kỹ, nghiên cứu báo cáo của kiểm toán để vừa bảo đảm an toàn, vừa giảm được chi phí đầu tư.

Bên cạnh đó, ông An cũng bày tỏ sự lo lắng khi xu hướng chuyển từ đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công diễn ra ở nhiều lĩnh vực. “Không chỉ riêng trong lĩnh vực giao thông mà một số lĩnh vực khác cũng đang có xu hướng chuyển từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công. Cứ thế này Luật PPP sẽ chết dần”, ông An băn khoăn.

Chấm dứt tình trạng bán thầu khi làm cao tốc Bắc – Nam ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, khi thảo luận tại Chính phủ có ý kiến nói rằng, nếu đầu tư BOT có 16 nghìn tỷ mà “chặt khúc” ra làm 4 trạm thu phí không hợp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, đầu tư cả theo hình thức đầu tư công sẽ hợp lý hơn.

Muốn triển khai nhanh phải có cơ chế

Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông tin, trong toàn tuyến cao tốc đã làm được số lượng km rất lớn, khoá trước đã khởi công nhiều đoạn, nhiều công trình, giờ chỉ còn khoảng 746 km đang triển khai. Chủ tịch nước ủng hộ chủ trương đầu tư bằng ngân sách nhà nước để sớm triển khai hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam.

Để triển khai tốt dự án này, Chủ tịch nước đề nghị, trước tiên phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Các nước chuẩn bị đầu tư 3-5 năm, sau đó làm trong thời gian rất ngắn là xong. Nước ta do quy hoạch, do quản lý kế hoạch trung hạn và cũng còn nhiều khuyết điểm, nên công tác chuẩn bị đầu tư gấp gáp, quá trình thi công kéo dài, vì bao gồm cả quy hoạch, thiết kế và các công tác chuẩn bị khác, bao gồm cả giải phóng mặt bằng (GPMB).

“Lần này chúng tôi đề nghị GPMB giao cho địa phương đảm nhận. Ở góc độ Quốc hội, phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực giải toả, trước hết phải làm tốt công tác tái định cư cho người dân, để người dân ở nơi mới bảo đảm điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Chủ trương GPMB phải đi liền với tái định cư”, Chủ tịch nước nêu.

Lãnh đạo Nhà nước cũng lưu ý, việc chống thất thoát, lãng phí rất quan trọng. Đầu tư xây dựng cơ bản rất dễ thất thoát, lãng phí lớn, nhất là các tuyến giao thông thế này. Chính vì vậy, qua đấu thầu phải tìm được những đơn vị thi công đủ năng lực tài chính, năng lực thi công, đi liền với đó là chấm dứt tình trạng bán thầu.

“Chúng ta biết nhiều đơn vị do quan hệ đã nhận được một số gói thầu, sau đó bán thầu cho B, B’, thậm chí C, C’ qua nhiều đơn vị trung gian. Vụ án vừa qua ở gói Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có một số gói thầu do bán thầu như vậy nên định mức vật tư bị ảnh hưởng, làm giảm chất lượng công trình. Đây là kinh nghiệm có thực, sâu sắc trong quá trình chỉ đạo xây dựng cao tốc Bắc- Nam”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Đi liền với đó, ông cho rằng, phải làm tốt hơn nữa công tác kiểm toán, giám sát, thanh tra, kiểm tra, không để buông lỏng, không để trong quá trình thi công có lãng phí. Trong đó, có thể đưa kiểm toán vào ngay từ đầu. Đặc biệt, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, muốn triển khai nhanh phải có cơ chế.

Chính phủ và Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, đặc biệt là khi khớp nối các đoạn. Trong đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công phải lựa chọn những đơn vị tốt nhất, chấm dứt tình trạng thất thoát thông qua chỉ định thầu. Những vấn đề khác, cần tạo điều kiện cho triển khai như tư vấn giám sát, đặc biệt là tư vấn thiết kế… có thể chỉ định thầu trên cơ sở giảm giá dự toán bao nhiêu %.

Kết hợp như vậy bảo đảm một quá trình liên tục, đồng bộ, tạo điều kiện cho các địa phương. Các địa phương phải tạo điều kiện cho các đơn vị để đẩy nhanh quá trình thi công.

MỚI - NÓNG