Hiệu quả cao từ thức ăn ủ ướp
Anh Dương Văn Nội, thuộc đơn vị chăn nuôi Vườn Đào 2, thị trấn Nông trường (Mộc Châu, Sơn La) là một trong những gương nuôi bò sữa làm giàu, năng động ở Mộc Châu. Anh Nội vừa đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng để “nâng cấp” chuồng trại theo mô hình VietGAP, vừa tất bật liên hệ lo nguồn ngô băm để ủ ướp làm thức ăn cho bò. Hiện trang trại nhà anh có trên 50 con bò, trong đó hơn 20 con vắt sữa, doanh thu khoảng 180 triệu đồng/tháng.
Anh Nội cho biết, sau khi được hướng dẫn của cán bộ Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu, anh tiếp cận ngay với cách dùng cây ngô để làm thức ăn ủ ướp và hiện rất hiệu quả. Cùng với thức ăn phối trộn, cỏ alfafa… thân cây ngô là nguồn thức ăn sẵn có, giá trị dinh dưỡng cao. “Trung bình mỗi con bò ăn hết khoảng 8 tấn/năm, như vậy, đàn bò nhà tôi xơi khoảng 400 tấn thân ngô/năm. Phương pháp ủ chua không khó, chỉ cần đào hố, băm thân cây ngô cả bắp ở giai đoạn bắp ngô đã cho sữa ra, thêm một số thành phần như muối, rỉ mật… rồi đầm nén kỹ, phủ bạt che mưa cho kín, sau 21 ngày có thể dùng được. Loại thức ăn này rất hiệu quả, dinh dưỡng cao, bớt nhân công và đảm bảo nguồn thức ăn quanh năm, chứ không phụ thuộc thời tiết vào mùa vụ nào”, anh Nội nói.
Cũng nhờ vào nguồn ngô ủ ướp nên bà Vũ Thị Đáng (đơn vị 70, thị trấn Nông trường) lúc nào cũng chủ động được “mồi ngon” dù cho đàn bò trên 40 con - những máy cái đẻ tiền, mỗi ngày phải “xơi” hết cả tấn thức ăn thô xanh. Bà Đáng cho biết: “Đây là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo chế độ ăn của bò do các chuyên gia dinh dưỡng quốc tế xây dựng, được chứng minh bằng kết quả phân tích do Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu nghiên cứu và học hỏi tại Mỹ”.
Hiện, ở Mộc Châu có trên 500 trang trại, với trên 16.000 con bò sữa. Chủ các trang trại mua ngô, bao gồm cả thân, lá, bắp để ủ ướp thức ăn nên đang mở ra cơ hội làm giàu cho bà con nông dân
trong vùng.
Lợi ích kép
Ông Phạm Văn Nhán, Phó Tổng giám đốc Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho biết, cùng với tăng quy mô chuồng trại và tăng đàn bò ở Mộc Châu, việc “lo liệu” quỹ đất, nguồn thức ăn cũng là một bài toán. Hiện với tổng đàn trên 16.000 con bò sữa ở Mộc Châu như hiện nay, nếu chỉ tạo vùng nguyên liệu thức ăn trên diện tích 1.000 ha cũng là một sức ép. Do đó, hiện Cty đang mở rộng vùng nguyên liệu thức ăn cho đàn bò bằng cách mở rộng tới các vùng vành đai diện tích đất của bà con trong vùng để trồng ngô cây cả bắp bán lại cho Cty.
“Mô hình liên kết trồng ngô làm thức ăn ủ ướp sẽ được áp dụng ở nhiều xã thuộc diện khó khăn. Đây cũng là hướng chuyển đổi có hiệu quả mà huyện đang triển khai, giúp bà con ở vùng nghèo khó nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Ông Hà Trung Chiến, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu
“Đây là lợi ích kép, hai bên cùng có lợi. Trước đây, bà con chỉ trồng 1 vụ ngô lấy hạt, hiệu quả kinh tế chưa cao, lại phụ thuộc vào giá cả của thương lái nên cũng bấp bênh. Hiện nay, bà con nhiều hộ đã chuyển qua trồng ngô làm thức ăn cho bò, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch ngắn hơn, mật độ cây trồng dày hơn, chi phí đầu vào thấp nên nguồn lợi thu về từ đồng ruộng cũng tăng lên đáng kể. Giá một kg cây ngô bao gồm cả thân, lá, bắp là khoảng 950 - 970 đồng. Mỗi ha ngô cho năng suất 55 - 60 tấn, bà con thu về gần 60 triệu đồng mỗi vụ. Số tiền này cao gấp 1,5 lần so với việc trồng ngô hạt”, ông Nhán nói.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, đàn bò ở Mộc Châu lên đến 35.000 con. Tương ứng với lượng bò đó là diện tích trồng cỏ, ngô ủ ướp phải mở rộng từng năm. Ông Hà Trung Chiến, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết, để giải quyết bài toán về đất đai, huyện đã phối hợp với Sở NN&PTNT Sơn La, làm quy hoạch, mở rộng mô hình chăn nuôi bò sữa.
Theo ông Chiến, hiện diện tích đất cho phát triển đàn bò sữa ở Mộc Châu là 1.000 ha. Tuy nhiên, vùng mở rộng liên kết trồng ngô làm thức ăn ủ ướp cho bò đã triển khai từ 3 năm nay, hiện lên tới trên 2.000 ha. Do trồng ngô làm thức ăn ủ ướp cho thu nhập cao hơn, nên việc chuyển đổi từ trồng ngô lấy hạt sang lấy thân chuyển biến rõ rệt. Bà con nhiều vùng lân cận đều tham gia chương trình này. Lãnh đạo huyện Mộc Châu cho biết, huyện sẽ hỗ trợ bà con một phần giống khi chuyển đổi từ trồng ngô lấy hạt sang trồng ngô làm thức ăn ủ ướp, ngoài ra Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu sẽ hỗ trợ thêm.