Cây dâu, con tằm giúp người dân vùng khó khăn nhất ở Lâm Đồng thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bén duyên với cây dâu con tằm, hàng trăm hộ ở huyện Đam Rông, vùng khó khăn nhất của tỉnh Lâm Đồng đã thoát nghèo.
Cây dâu, con tằm giúp người dân vùng khó khăn nhất ở Lâm Đồng thoát nghèo ảnh 1

Cơ sở ươm tơ giải quyết đầu ra cho kén tằm

Ông Liêng Hót Ha Hai, Phó chủ tịch UBND huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cho biết, sau 5 năm triển khai đề án “Phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ”, trồng dâu, nuôi tằm đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao đời sống người dân trong huyện, giúp hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đam Rông, diện tích đất bãi bồi ven sông suối ở Đam Rông khá lớn, rất phù hợp với việc trồng dâu. Đồng thời, do giá kén tằm trên thị trường ổn định ở mức cao nên huyện tích cực vận động người dân chuyển đổi hàng trăm héc ta đất chuyên trồng lúa, bắp sang trồng dâu, nuôi tằm.

Diện tích dâu của huyện đã tăng gấp 5 lần so với 5 năm trước. Bên cạnh đó, Đam Rông đã hình thành những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến kén tằm. Tiêu biểu như nhà máy Kén tằm Duy Phương (xã Đạ Rsal) liên kết, sản xuất, tiêu thụ và chế biến kén tằm với hơn 500 hộ.

“Đến cuối năm 2023, huyện Đam Rông xây dựng và hình thành ít nhất 3 chuỗi liên kết ở 3 tiểu vùng về tổ chức sản xuất trồng dâu, nuôi tằm gắn với tiêu thụ kén tằm, ươm tơ; phấn đấu đạt trên 1.200 tấn kén tằm mỗi năm”, ông Ha Hai chia sẻ.

Mặt khác, từ nguồn vốn gần 13 tỷ đồng thuộc các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới..., huyện đã hỗ trợ cho trên 370 nông hộ phát triển diện tích trồng dâu bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao. Trong năm 2022, địa phương đã hỗ trợ dụng cụ nuôi tằm cho 38 hộ với kinh phí 570 triệu đồng.

Huyện cũng đã hỗ trợ các nông hộ xây dựng mới 3 cơ sở nuôi tằm con tập trung công nghệ cao và mô hình tự động cơ giới hóa trồng dâu, nuôi tằm tại các xã Rô Men, Liêng S’rônh, Đạ K’Nàng...

Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo vay vốn phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm để thoát nghèo bền vững.

Theo Phòng NN&PTNT Đam Rông, thu nhập bình quân từ nghề trồng dâu, nuôi tằm đạt từ 300-400 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp từ 3-4 lần so với canh tác cà phê, gấp 9-10 lần trồng lúa 1 vụ/năm.

MỚI - NÓNG