Cay đắng trốn chồng tinh mơ đi bán máu

Xếp hàng bán máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Xếp hàng bán máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Những người hiến tin rằng máu của mình sẽ được dùng để cứu người dưới hình thức cho - tặng. Thế nhưng thực tế, máu hiến có được dùng để cung ứng miễn phí, hay người bệnh phải mua với giá cao?

Đường đi của máu hiến đến người bệnh như thế nào vẫn là câu chuyện mà không phải ai cũng biết rõ…

Nhiều người coi việc bán máu - thứ quý giá nhất trong cơ thể, đơn giản như một “nghề” kiếm tiền. Hình ảnh những người rút máu của mình đem bán để đắp đổi cuộc sống nghèo túng của gia đình khiến chúng tôi ám ảnh mãi. Họ cứ như loài chim yến, rút ruột, làm tổ, nuôi con… Nhưng cái họ nhận được chỉ là những đồng tiền rẻ mạt, những thái độ không mấy thiện cảm của người đời. Bởi vậy, hàng chục, hàng trăm người “chuyên nghiệp” bán máu - lấy tiền ấy luôn tự nhận mình là những người chỉ đi hiến máu nhân đạo để cứu người.

“Máu chọn”

6h sáng một ngày cuối năm 2014, chúng tôi có mặt ở Trung tâm Truyền máu của Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, TPHCM). Dù chưa đến giờ nhưng đã có hơn 20 người ngồi đợi bán máu hoặc tiểu cầu. So với máu toàn phần, tiểu cầu (còn gọi là “máu chọn”) có giá cao gấp đôi nên thu hút được người bán. Trong ánh sáng lờ mờ, những người phụ nữ ăn mặc xuề xoà, có khi còn khoác nguyên đồ ngủ; những người đàn ông trung niên gương mặt hốc hác tụm năm tụm ba ngồi chia sẻ kinh nghiệm. “Đừng nhậu, ngủ đầy đủ, ăn rau muống, mắm tôm thì tiểu cầu lên rất nhiều, dễ đậu; kiêng mỡ, không uống sữa, càphê...”. Một số người nhiệt tình hướng dẫn những người mới lần đầu đi hiến máu các thủ tục, hay kể lể chuyện gia đình. “Ba đứa con tôi nó bội bạc lắm”; “Tôi trốn lão chồng lên đây bán máu, nó biết nó đánh cho, có mà bỏ nhà đi luôn”; “Hồi đó tôi làm chỗ kia ngon lắm, sắm được cả vàng, từ ngày nghỉ, lo ăn từng bữa”... Khi rù rì, khi to tiếng, những câu chuyện của họ tưởng chừng như chỉ kể với những người hàng xóm quen thân.

Riêng mấy cậu sinh viên thì dán mắt vào cái điện thoại “đập đá” hàng tiếng đồng hồ, không bắt chuyện với ai, ánh mắt ngại ngùng khi phải giao tiếp. Cậu sinh viên ngồi sát chúng tôi, vẫn còn mặc đồng phục thể dục, bảo: “Mình có bán máu đâu. Mình đi cùng bạn”. Nhưng một lúc sau, chúng tôi lại gặp ánh mắt buồn bã của cậu trong phòng lấy máu. Biết chúng tôi cũng đi bán máu, cậu kể, mặc dù hẹn 7h sáng, nhưng 6h sáng cậu đã phải có mặt để lấy số thứ tự. Những người xét nghiệm đầu tiên thường được lấy tiểu cầu ngay trong buổi sáng, nếu “đậu”. Còn những người tới muộn phải tới chiều hoặc ngày hôm sau. Mỗi đơn vị tiểu cầu được bồi dưỡng 468.000 đồng và 1 vỉ thuốc sắt (cao gấp đôi so với giá hiến máu toàn phần). Người phụ nữ có vẻ mặt khắc khổ, hỏi: “Nghe nói, nếu không lấy vỉ thuốc sắt thì được tròn 470.000 đồng hả chị”. Người phụ nữ mặc đồng phục công nhân ngồi cạnh nguýt dài: “Đừng hà tiện quá bà ơi! Lấy thuốc về uống tạo máu, lần sau còn có máu mà bán chứ”.

Bán rẻ như cho

Một người đàn ông gầy còm, mặc bộ quần áo bảo vệ, một tay giữ lấy cái bông gòn thấm máu. Thấy chúng tôi có vẻ lơ ngơ, ông tiếp chuyện: “Mới lần đầu à, đăng ký chưa?”. “Dạ, lần đầu” - chúng tôi đáp. Như đồng cảm, ông chia sẻ câu chuyện của mình. Ông tên Tuấn (50 tuổi, quê ở Bình Định). Ông từ quê lên thành phố xin làm bảo vệ hơn hai năm nay, kiếm tiền nuôi con trai đang học năm 2 trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Hơn năm nay ông đã tìm tới Trung tâm Truyền máu bệnh viện Chợ Rẫy để hiến tiểu cầu. Mỗi lần đi ông đều lặng lẽ, sợ con biết sẽ buồn, ảnh hưởng đến việc học. Ông nói, có lần bị con biết rồi đòi nghỉ học, ông phải hứa từ nay không đi hiến tiểu cầu nữa, nhưng rồi ông lại phải tìm đến đây mỗi khi “không biết đào đâu ra tiền”. Một lúc sau có kết quả, máu của ông không đạt vì tiểu cầu thấp. Cầm trên tay tờ giấy, ông cúi gằm mặt xuống đất, đi thẳng ra cửa. Tiếng bước chân xuống cầu thang nghe nặng trịch...

Trong khi đó, nhiều người sung sướng khi cầm được tờ giấy lấy tiểu cầu. Như ông Hải (45 tuổi, ở quận Thủ Đức) - làm nghề khuân vác ở chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức - có thâm niên hiến máu suốt 15 năm qua. Khi được gọi tên vào phòng lấy tiều cầu, ông hớn hở ra mặt. Sau hơn 1 giờ, ông bước ra, mặt tái nhợt, đôi mắt đỏ ngầu, bước đi khập khiễng như sắp ngã, nhưng vẫn cười. Người đàn ông ấy đã giấu cả gia đình, mỗi tháng vẫn âm thầm với bài toán mưu sinh trên từng giọt “nhựa sống” của chính mình. Ông cười hì hì như che giấu bao tủi hổ: “Đi hiến máu vừa có tiền, vừa được xét nghiệm máu miễn phí”.

Tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học (quận 5, TPHCM), mỗi đơn vị tiểu cầu, người hiến được bồi dưỡng 450.000 - 468.000 đồng và một chiếc bánh bao. Số tiền thu được từ việc bán máu của họ cũng chỉ bằng với “phần quà” tặng lại cho người hiến. Vì vậy, nhiều người đang chờ bán máu, nhưng chẳng ai thừa nhận điều đó.

Ông Võ Ngọc Mẫn (SN 1963, quê tỉnh Trà Vinh) cho biết, đã bỏ ruộng lên TPHCM mong được đổi đời. Nhưng với nghề làm thuê gần hai chục năm nay, thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Và rồi ông Mẫn phải tìm đến với dịch vụ “bán máu”. Đưa cho tôi xem cả mớ giấy chứng nhận “Hiến máu cứu người”, ông Mẫn cười cho biết: “Tôi bán máu nhiều nơi lắm, “chạy sô” khắp nơi, từ Sài Gòn rồi về cả các tỉnh bán tuốt… Dù đồng tiền nhận từ việc bán máu rất rẻ, chỉ bằng phần quà bồi dưỡng tại chỗ cho người đi hiến máu nhân đạo, nhưng chúng tôi phải cố cứu lấy gia đình nghèo khó của mình trước, cũng vừa giúp được những bệnh nhân cần máu để qua cơn nguy kịch, đến với cuộc sống”. Ông Mẫn tâm sự, mình rút máu ra bán chứ có đi xin ai đâu, nhưng thường nhận được ánh nhìn không thiện cảm của người đời, bị phân biệt rất rõ so với người đi hiến máu nhân đạo. Bởi vậy, không việc gì nói mình đi bán máu nữa, chúng tôi tự nhận là người hiến máu, mình vẫn nhận được đủ tiền như bán, lại được thêm phiếu hồng, lỡ sau này đổ bệnh, cần máu thì còn được cho máu miễn phí”.

Lê la từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TPHCM, chúng tôi tình cờ gặp bà Hạnh tại cả hai bệnh viện. Cơm áo gạo tiền cứ đeo đẳng người phụ nữ 45 tuổi này. Gặp chúng tôi, có lẽ vì tủi hổ, bà bật khóc. Chồng bà làm bảo vệ, bà đi may, lương lộc chẳng được bao nhiêu nhưng vẫn phải lo cho đứa út học đại học. Nhà có 4 đứa con, 3 đứa lớn hơn đã đi làm, nhưng đứa nào cũng gom góp cho riêng mình. Chín năm qua, bà “chạy sô” bán máu hết bệnh viện này qua bệnh viện kia. Các con, chồng bà biết nhưng không ai ngăn, coi đó như một việc hết sức... bình thường. Bà bảo, mình thêm cái nghề bán máu để dành dụm mua ít vàng cho cô con gái út sau này lấy chồng.

Quy định của ngành y tế, một lần lấy máu, mỗi người chỉ được cho 450mml loại tiểu cầu, 250ml - 500ml đối với máu tổng hợp. Và cũng tuỳ vào loại máu hay hồng cầu lấy ra mà người hiến phải chờ 1 đến 2 tháng mới được phép lấy máu tiếp. Thế nhưng, nhiều người như ông Mẫn đã tìm cách “qua mặt” các cơ sở y tế bằng cách đến các cơ sở y tế khác nhau để được rút máu, bán nhiều lần trong tháng. Như bà Hạnh, cứ bán máu ở Chợ Rẫy xong, mấy ngày sau, bà lại đến Bệnh viện Truyền máu và Huyết học để tiếp tục bán, căn đúng 20 ngày, bà quay lại. Vậy là 1 tháng bà bán được 4 lần, 2 lần ở Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 lần ở Bệnh viện Truyền máu và Huyết học. Bà bảo, bà chả biết người có yếu đi chút nào không chứ đổi lại, mỗi tháng bà có hơn 1,8 triệu đồng - bằng cả tháng lương bà còng lưng may thuê cho người ta. Bản thân chúng tôi khi cầm trên tay 468.000 đồng - gọi là đồng tiền xương máu theo đúng nghĩa đen - cũng thấm thía một cảm xúc buồn tủi khó tả.

Thống kê của Viện huyết học và Truyền máu T.Ư, hiện nguồn máu hiến tặng chiếm từ 97-98% lượng máu cung ứng cho việc cấp cứu, điều trị bệnh nhân trên cả nước. Chỉ 3% còn lại là nguồn từ thân nhân cho và từ người bán máu “chuyên nghiệp”. Nhưng thực tế, đội quân bán máu chuyên nghiệp vẫn còn hùng hậu, khắp nơi trên cả nước. Chỉ có điều họ lặng lẽ bán máu với giá tiền rẻ mạt dưới danh nghĩa hiến máu nhân đạo…

Theo Khương Quỳnh – Minh Quân – P.Bắc

Theo Lao Động
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.