Câu hỏi lớn đối với Mỹ: Trung Quốc có bao nhiêu 'sát thủ tàu sân bay' DF-26?

Hệ thống tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc
Hệ thống tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc
TPO - DF-26 là tên lửa sát thủ hàng đầu của Trung Quốc. Tên lửa dài 12,8m, được phóng từ một bệ phóng tự hành di động (TEL), có thể mang đầu đạn hai tấn - thông thường hoặc hạt nhân – tầm bắn 4.000km.

Các tên lửa DF-26 phóng từ các căn cứ ở Trung Quốc đại lục có thể tấn công các sân bay của Đài Loan trong vài giờ trước khi lực lượng đổ bộ Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan. Nếu Bắc Kinh thực hiện một vở kịch tương tự đối với một số hòn đảo tranh chấp ở các vùng biển xung quanh họ, họ có thể cố gắng làm chậm phản ứng của Mỹ bằng cách phóng tên lửa DF-26 vào căn cứ máy bay ném bom của Không quân Mỹ ở trên đảo Guam.

Nhưng một câu hỏi đặt ra: Trung Quốc có bao nhiêu tên lửa DF-26? Lầu Năm Góc, theo Forbes, khó có thể biết chính xác điều này.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều năm trước đã quyết định rằng tên lửa là cách rẻ và dễ dàng để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa hỏa lực của Trung Quốc và Mỹ ở tây Thái Bình Dương. "Lực lượng tên lửa thông thường trên mặt đất mạnh mẽ của Trung Quốc có quy mô và khả năng tấn công chính xác trên không và trên biển ngày càng tăng", Bộ Quốc phòng Mỹ nêu trong báo cáo Sự phát triển quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc năm 2020.

DF-26 không phải là tên lửa thông thường duy nhất trong kho vũ khí của Lực lượng Tên lửa Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLARF). Họ còn có tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-11, DF-15 và DF-16, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21.

Trong khi Trung Quốc nhắm hầu hết các tên lửa của mình vào các mục tiêu trên đất liền, DF-21D và DF-26 trên lý thuyết có khả năng chống hạm. Người Mỹ gọi chúng là “sát thủ tàu sân bay”.

DF-26, xuất hiện lần đầu vào năm 2015 và đi vào hoạt động năm 2016, được cho là loại tên lửa đáng sợ nhất. Nhưng có bao nhiêu trong số khoảng 1.300 tên lửa của PLARF là DF-26?

Theo Ankit Panda, chuyên gia tên lửa tại tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace ở Washington, D.C., trong năm 2018, có không hơn 30 bệ phóng di động dành cho DF-26 trong PLARF. Một năm sau, có 80 xe  với bốn lữ đoàn, mỗi lữ đoàn đều có căn cứ, phương tiện và nhân sự riêng.

Nhưng theo báo cáo năm 2020 của Lầu Năm Góc, hiện có 200 tên lửa DF-26 trong biên chế của PLARF. Có nghĩa là lực lượng tên lửa đã tăng hơn gấp đôi trong một năm. Panda đã gọi con số đó là "bất ngờ lớn nhất" trong các phát triển quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc trong năm 2020.

Nhưng các chuyên gia vẫn hoài nghi. Decker Eveleth, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin ở California viết: “Tôi không thấy có cách nào giúp họ triển khai thêm sáu lữ đoàn DF-26 trong thời gian một năm”. Mỗi lữ đoàn yêu cầu nhiều phương tiện hạng nặng và hàng trăm tên lửa, chưa nói đến cơ sở vật chất để sinh sống, hoạt động và ẩn náu trong thời chiến.

Nếu PLARF bằng cách nào đó đã tăng gấp đôi lực lượng DF-26 trong 12 tháng, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên lo lắng, ông Panda viết. Nhưng không có dấu hiệu lo ngại nào bên trong chính quyền của tổng thống Donald Trump.

Theo chuyên gia David Axe của Forbes, nhiều khả năng Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhầm. Có thể PLARF đã bổ sung thêm DF-26 kể từ năm 2019. Không chắc họ đã bổ sung thêm sáu lữ đoàn.

Nếu đúng như vậy, ít nhất đây là lỗ hổng lớn thứ hai trong báo cáo phát triển quân sự và an ninh liên quan đến CHND Trung Hoa năm 2020.

MỚI - NÓNG