Trong một tuyên bố hôm thứ Tư, Bộ Thương mại Mỹ cho biết 24 công ty nhà nước - bao gồm một số chi nhánh của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) - đã đóng vai trò trong việc “giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông” và do vậy “phải chịu trách nhiệm”.
Các công ty này sẽ được thêm vào một danh sách do Bộ Thương mại Mỹ lập. Các thực thể trong danh sách sẽ không được mua hàng hóa và công nghệ từ các công ty Mỹ mà không có giấy phép đặc biệt, theo tuyên bố.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hôm thứ Tư rằng họ sẽ áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc “chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với việc cải tạo, xây dựng hoặc quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông, hoặc việc Trung Quốc sử dụng biện pháp cưỡng ép chống lại các bên tranh chấp khác ở Đông Nam Á để ngăn cản khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi của họ”.
Các cá nhân này sẽ không được phép vào Mỹ và các thành viên gia đình họ cũng có thể bị hạn chế. Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu tên các quan chức hoặc chỉ rõ bao nhiêu người trong số họ phải chịu các hạn chế, theo CNN.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ có hành động trừng phạt liên quan đến các thực thể Trung Quốc đang kiểm soát ở Biển Đông - nhiều năm sau khi Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo một cách phi pháp trên tuyến đường thủy chiến lược này.
Các công ty khác được liệt kê bao gồm Công ty Viễn thông Bắc Kinh Huanjia, Công ty Truyền thông Dữ liệu Changzhou Guoguang, Công ty Thiết bị Truyền thông Guangzhou Guangyou, Công ty Kỹ thuật Cáp ngoài khơi Thượng Hải, Công ty Thiết bị Phát thanh Truyền hình Thiên Tân và các viện nghiên cứu trực thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc và Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc.
“Các thực thể này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng các đảo nhân tạo đầy tính khiêu khích của Trung Quốc và phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trong một tuyên bố.
Trung Quốc tuyên bố gần như toàn bộ 1,3 triệu dặm vuông Biển Đông là lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình, nhưng đòi hỏi phi lý này bị nhiều nước trong khu vực và thế giới lên án.
Hôm thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gọi các lệnh trừng phạt là “sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và vi phạm luật pháp quốc tế”.
Oriana Skylar Mastro, một thành viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đang chơi trò chơi đối đầu, thi gan.
“Họ đang chơi trò “ai là gà”, với việc Mỹ duy trì các hoạt động ở Biển Đông trong khi cố gắng khiến Trung Quốc phải tăng chi phí nếu muốn bảo vệ vị thế. Trong khi đó, Trung Quốc cảnh báo Mỹ nếu nước này tiếp tục đi theo con đường này, kết quả có thể là chiến tranh ”,
“Vấn đề là không rõ khi nào hai bên đi đến điểm không còn đường quay lại - một việc gì đó đẩy Trung Quốc tới bờ vực buộc phải thực hiện một số hành động quyết liệt mà Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả bằng vũ lực,” bà Mastro, người cũng là một chuyên gia về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại Washington nói với SCMP.
“Đó là thách thức khi đi lên bậc thang leo thang, bạn không biết khi nào mình đã lên đến đỉnh”, bà nói.
Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói với Reuters rằng các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ có thể sẽ không “tác động trực tiếp nhiều đến các thực thể đó ... nhưng nó có thể là bước khởi đầu để cố gắng thuyết phục các đối tác Đông Nam Á rằng chính sách mới không chỉ là lời nói suông”.
Hôm thứ Tư, Trung Quốc đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm trung, trong đó có một loại được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”, ra Biển Đông, một cảnh báo rõ ràng nhằm vào Mỹ, SCMP đưa tin.