Theo thông báo của Cục An toàn hàng hải Quảng Đông ngày 23/8, Hải quân Trung Quốc sẽ tập trận trên vùng biển phía đông nam tỉnh Quảng Đông từ 24-29/8. Cũng trên biển Đông, một đợt tập trận ở ngoài khơi đảo Hải Nam sẽ diễn ra trong thời gian này. Cục An toàn hàng hải Hải Nam cảnh báo tàu thuyền tránh xa vùng diễn tập ít nhất 9km. Trong khi đó, một đợt tập trận khác diễn ra từ ngày 24/8-30/9 trên biển Bột Hải và một chiến dịch trên Hoàng Hải từ 29/8-2/9.
Ông Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng các đợt tập trận này có thể bao gồm các bài tập chống tàu chiến, tàu ngầm và phòng không. Ông Song cho rằng 3 đợt tập trận diễn ra đồng thời sẽ thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu mức độ cao của quân đội Trung Quốc, đồng thời cho thấy sự kết nối giữa 3 vùng biển nếu xung đột quân sự nổ ra. Cuối tháng trước, Trung Quốc thông báo vừa tổ chức các hoạt động tập trận trên biển Đông với sự tham gia của máy bay ném bom tầm xa và các loại máy bay khác. Trong khi đó, tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan và nhóm tác chiến trở lại biển Đông từ giữa tháng 8 để triển khai hàng loạt chiến dịch diễn tập trên không.
Đợt diễn tập bắt đầu từ ngày 14/8 có sự tham gia của tàu khu trục tên lửa Antietam, hai tàu khu trục Mustin và Rafael Peralta cùng phi đoàn Carrier Air Wing 5. Nhóm phương tiện này triển khai các hoạt động diễn tập không đối không, tìm kiếm và cứu nạn, Hải quân Mỹ thông báo.
Nhóm tàu Ronald Reagan trở lại biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng sau khi chính quyền Mỹ tuyên bố hồi tháng trước, bác bỏ gần như tất cả yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông vì trái luật quốc tế.
"Ðường 9 đoạn" chỉ là bịa đặt
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines vừa tố cáo Bắc Kinh chiếm đóng trái phép lãnh thổ trên biển của Philippines và tuyên bố “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc dùng để đưa ra yêu sách với hầu khắp biển Đông chỉ là bịa đặt.
Phát biểu của Bộ trưởng Delfin Lorenzana được đưa ra cuối ngày 23/8 sau khi xuất hiện căng thẳng mới giữa hai nước ở khu vực bãi cạn Scarborough. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Philippines phản đối hành động của hải cảnh Trung Quốc khi “tịch thu bất hợp pháp” ngư cụ của ngư dân Philippine ở khu vực gần bãi cạn này. Philippines cũng “kiên quyết phản đối” Trung Quốc tiếp tục dùng radio để thách thức các máy bay Philippines tuần tra ở khu vực tranh chấp.
Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines từ năm 2012, sau đợt đối đầu giữa lực lượng hải quân hai nước. Bãi cạn nằm cách đảo Luzon của Philippines 240km nhưng cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 650km này là một ngư trường giàu hải sản.
“Khu vực đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chúng tôi”, Bộ trưởng Lorenzana nói với báo giới. “Cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc đối với một khu vực bao quanh bởi đường 9 đoạn không hề tồn tại, ngoại trừ trong trí tưởng tượng của họ”, ông Lorenzana tuyên bố.
“Các ngư dân của chúng tôi hoạt động trong EEZ của chúng tôi và các tàu, máy bay của chúng tôi cũng tuần tra ở khu vực này. Họ (Trung Quốc) là bên hành động khiêu khích khi chiếm đóng một số cấu trúc của nằm trong EEZ của chúng tôi. Vì thế, họ không có quyền tuyên bố rằng họ đang thực thi pháp luật”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói.
Phán quyết của Toà trọng tài quốc tế năm 2016 đã tuyên yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hạ thấp tính nghiêm trọng của vụ tịch thu ngư cụ, trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang muốn Trung Quốc cung cấp vắc-xin COVID-19.
“Các nhà ngoại giao của Philippines thường gửi phản đối như thế này nếu chúng tôi tin rằng quyền chủ quyền của chúng tôi bị vi phạm. Nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ tốt đẹp giữa Philippines và Trung Quốc”, Philstar dẫn lời phát ngôn viên Harry Roque.
Quan hệ Philippines – Trung Quốc được cải thiện đáng kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền vào năm 2016 và sau đó gạt các tranh chấp trên biển sang một bên để thu hút đầu tư, thương mại và viện trợ từ Trung Quốc.