Cấp thẻ BHYT “bảo mật” cho người nhiễm HIV

Một buổi biểu diễn văn nghệ tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: Thanh Trần
Một buổi biểu diễn văn nghệ tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: Thanh Trần
TP - Người nhiễm HIV ở Đà Nẵng đi khám chữa bệnh không còn canh cánh lo sợ, mặc cảm thông tin cá nhân của mình bị lộ ra ngoài nhờ hệ thống bảo mật tuyệt đối. Sắp tới đây họ sẽ thuận tiện hơn trong việc điều trị nhờ chủ trương cấp riêng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho từng cá nhân.

Theo ông Phạm Chải, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, người nhiễm HIV thường lo ngại người khác  sẽ  biết tình trạng của mình khi đi khám bệnh, những người phải chuyển tuyến thì càng sợ hơn, vì sẽ có nhiều người biết hơn. “Họ phải xin số, đợi gọi tên, quy trình khám giống như những bệnh nhân bình thường khác, đôi khi chỉ một vài câu xì xào “anh, chị này có H.”  hay mặc cảm do chính họ tạo ra cũng khiến họ không dám đi khám chữa bệnh nữa. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở y tế đã có các cán bộ chuyên trách về HIV/AIDS bảo mật thông tin cá nhân, giúp người nhiễm HIV hoàn toàn yên tâm, thuận tiện khi đi khám chữa bệnh”, ông nói.

Tất cả số điện thoại của các cán bộ chuyên trách HIV/AIDS ở các cơ sở y tế xã, phường, quận đều được cung cấp cho người nhiễm HIV biết. Khi có nhu cầu khám, chữa bệnh họ sẽ liên lạc với những cán bộ này để được giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể. Ông Chải nói thêm: “Họ có thể tới gặp trực tiếp cán bộ chuyên trách, khai báo về tình hình sức khỏe của mình, cán bộ sẽ dẫn họ tới trực tiếp bác sĩ và giới thiệu trước đây là bệnh nhân nhiễm HIV để được bảo mật thông tin cá nhân, thăm khám “đặc cách”. Cách làm này giúp người nhiễm HIV bớt mặc cảm, nhanh gọn, thuận tiện hơn”.

Ở Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, cán bộ chuyên trách còn đứng ra làm tất cả thủ tục khám chữa bệnh, xin thuốc, nhập viện, chuyển tuyến… khi người nhiễm HIV không muốn ra mặt. Ngoài ra, hiểu tâm lý của người nhiễm HIV sợ những người xung quanh bàn tán khi cán bộ chuyên trách hay lui tới nhà, tất cả cán bộ phải xin số điện thoại của từng bệnh nhân để liên hệ, trao đổi hoàn toàn qua điện thoại.

Theo Trung tâm phòng chống  HIV/AIDS Đà Nẵng, người nhiễm HIV muốn điều trị bằng thuốc ARV phải đến phòng khám ngoại trú đặt tại bệnh viện Da liễu, tuy nhiên để được chuyển đến đây điều trị họ phải khai báo tình trạng sức khỏe cụ thể đang bị HIV/AIDS ở các cơ sở y tế trước, điều đó làm họ ngập ngừng không dám tới điều trị. 

Thuốc ARV được BHYT chi trả, vì vậy những người có thẻ BHYT đều được hưởng quyền lợi này. Hiện tại Đà Nẵng có hơn 300 người điều trị bằng thuốc ARV, số người nhiễm HIV còn lại (khoảng 300 người) đang gặp khó khăn trong vấn đề mua BHYT, bởi mua bắt buộc theo hộ gia đình khiến họ không đủ kinh phí, hơn nữa khi đăng kí phải trình hộ khẩu nên người nhiễm HIV rất ngại.

Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm phòng chống  HIV/AIDS Đà Nẵng, cho hay: “Sở LĐTB&XH đề nghị sẽ mua BHYT cho người nhiễm HIV vì họ là đối tượng nghèo, tuy nhiên theo nguyên tắc thì chúng tôi không được cung cấp thông tin cá nhân của họ.

MỚI - NÓNG