Tại buổi họp báo giới thiệu về “tuần lễ Nông sản an toàn” và chương trình Địa chỉ xanh - nông sản sạch, hôm qua (5/5), Bộ NN&PTNT công bố 69 địa chỉ cung cấp rau, thịt đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) theo chuỗi.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Nafiqad (Bộ NN&PTNT), những địa chỉ trên phải đáp ứng được các tiêu chí sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tài liệu, tem nhãn, có thông tin chính xác, cụ thể.
Ngoài ra, các cơ sở tham gia (cả sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến) trong chuỗi cung ứng rau, thịt, thủy sản… phải được cấp chứng nhận đảm bảo ATTP. Nếu cơ sở nhỏ lẻ, phải có cam kết đảm bảo ATTP theo quy định. “Các địa phương sẽ kiểm tra giám sát, lấy mẫu thẩm tra, thẩm định, kiểm chứng lại, xác nhận sản phẩm đó đảm bảo theo chuỗi” - ông Tiệp nói.
Ông Tiệp cũng cho biết thêm, trong “Tuần lễ nông sản an toàn”, đơn vị kiểm nghiệm nhanh của Hà Nội sẽ túc trực, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội cũng sẽ lấy mẫu giám sát, cơ sở nào vi phạm, sẽ bị xử lý.
Tuy nhiên, mới đây, cơ quan chức năng phát hiện 80 con heo mang từ Đồng Nai về TPHCM để giết mổ do phát hiện dính chất cấm (Salbutamol). Số heo này được lấy từ cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện chăn nuôi VietGAP ở Việt Nam có khoảng 100, lúc cao điểm có 150 trang trại. Các trang trại này được trên 10 tổ chức độc lập được chỉ định chứng nhận. Ngoài ra, trong dự án nông nghiệp cạnh tranh, cũng cấp chứng nhận cho trên 9.000 nông hộ chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP.
“Vụ heo VietGAP dính chất cấm ở trên là nông hộ ở Đồng Nai. Việc này do địa phương quản lý, kiểm tra không chặt chẽ nên xảy ra tình trạng trên. Còn ở quy mô trang trại, đến nay chưa có trang trại vi phạm về chất cấm”- ông
Trọng nói.
Liên quan lo ngại cơ quan thú y cấp khống giấy kiểm dịch, hoặc kiểm dịch kiểu “đếm lợn cấp phiếu”, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y xác nhận, “đây là thực trạng ở các địa phương”. Theo bà Thủy, việc này do trách nhiệm cán bộ kiểm dịch chưa tốt.
“Chúng tôi yêu cầu các chi cục trưởng xác nhận, nếu vi phạm có thể rút thẻ kiểm dịch, luân chuyển công tác, tùy theo mức độ vi phạm để xử lý. Từ 1/7 tới, theo Luật Thú y, vận chuyển vật nuôi ra khỏi tỉnh mới kiểm dịch, nội tỉnh sẽ bỏ, nên nạn trên sẽ đỡ hơn”- bà Thủy nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, để xảy ra tình trạng như vậy, phải rà soát, xem xét cặn kẽ các công đoạn, từ chăn nuôi, thu mua, giết mổ. “Có thể cơ sở chăn nuôi làm đúng VietGAP, nhưng phía thu gom lại mua về vỗ béo, đưa chất cấm vào”.
Rau quả VietGAP chậm, teo tóp
Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), việc triển khai trồng rau theo mô hình VietGAP rất chậm, thậm chí một số nơi đã bỏ trồng theo VietGAP, vì đầu ra không có. Hiện diện tích rau trồng theo mô hình VietGAP cả nước đạt khoảng 25.000 ha.
Việc mở rộng diện tích GAP chậm, ông Cường cho biết, do chi phí trả cho tổ chức chứng nhận khá lớn, trong khi rau trồng ra bán với giá rau thường, hiệu quả, lợi nhuận thấp. Do vậy, nếu không có sợ hỗ trợ, rất khó làm rau VietGAP.
Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đã sửa quy định về bộ tiêu chí VietGAP hiện tại, rút từ 65 tiêu chí xuống còn 19 trong cả khâu sản xuất và chế biến. “Tuy nhiên sản xuất VietGAP được mở rộng hay không, phụ thuộc vào việc người sản xuất phải có lời. Nếu người tiêu dùng cứ tiện đâu mua đấy và mong giá rẻ, việc sản xuất VietGAP rất khó thành công”- ông Cường nói.
Tuần lễ “Nông sản an toàn” được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 12/5 tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp ở Hà Nội. Gần 100 gian hàng từ các doanh nghiệp, đơn vị, trong đó, có các gian hàng giới thiệu sản phẩm đã được xác nhận kiểm soát ATTP theo chuỗi, VietGAP, và các thương hiệu sản xuất nông sản uy tín…