Lập cơ quan độc lập bảo đảm an toàn bữa ăn người dân:

Chặn từ gốc thực phẩm bẩn

Phát hiện thịt lợn bệnh chết ở TPHCM (ảnh lớn); Mỡ thối sẽ được biến thành dầu rán (ảnh nhỏ). Ảnh: Lê Nguyễn.
Phát hiện thịt lợn bệnh chết ở TPHCM (ảnh lớn); Mỡ thối sẽ được biến thành dầu rán (ảnh nhỏ). Ảnh: Lê Nguyễn.
TP - Chặn thực phẩm bẩn từ gốc là một trong những mục tiêu của Cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trực thuộc UBND TPHCM được đề xuất thành lập. Đây sẽ là cơ quan độc lập bảo đảm an toàn bữa cơm của người dân theo mô hình Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ  (Food and Drug Administration - viết tắt FDA)?

Trình Thủ tướng vào tháng 5

“Tổ nghiên cứu đề án thành lập cơ quan quản lý ATVSTP đã được thành lập và hiện đang xây dựng đề án về nhân lực, tổ chức, hoạt động trước khi trình xin chủ trương của lãnh đạo thành phố và báo cáo Thủ tướng”- ông Lê Hoài Trung - Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM thông tin và cho biết cơ quan này trực thuộc UBND TPHCM. Ông Trung nói ý tưởng này xuất phát từ cuộc làm việc giữa Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong với Sở Y tế vào tháng 3/2016. “Sau buổi làm việc này ý tưởng thành lập cơ quan chuyên trách ngăn chặn, kiểm tra thực phẩm bẩn, giúp dân có bữa cơm an toàn ra đời”- ông Trung nói.

Theo đề án, nhân lực cho cơ quan được xem là FDA thu nhỏ này gồm đại diện, chuyên gia các ban ngành, sở, trung tâm nghiên cứu liên quan. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng- Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cơ quan này sẽ có phòng kiểm nghiệm chuyên nghiệp để kiểm tra thực phẩm bẩn dựa trên cơ sở nâng cấp quy mô hoạt động của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế TPHCM lâu nay.

“Vấn đề thực phẩm bẩn đang ảnh hưởng đến sức khỏe của 10 triệu dân thành phố trong khi việc quản lý giữa các sở ngành vốn lâu nay còn chồng chéo trách nhiệm nên cơ quan này ra đời là cần thiết”- ông Hưng nhìn nhận và nói thêm do cơ quan này độc lập và tập hợp các nhân sự chuyên ngành có đủ năng lực về thực phẩm, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, phân tích, kiểm nghiệm nên sẽ ngăn chặn được thực phẩm bẩn từ trồng trọt tới bàn ăn.

Sau khi chủ trì cuộc họp vào ngày 6/4 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận chủ trương về việc thành lập cơ quan trên đồng thời giao các sở liên quan thẩm định đề cương, tham mưu trình Thường trực UBND TPHCM trước 15/5 để trình Thủ tướng trong tháng này.

Chặn từ gốc thực phẩm bẩn ảnh 1

Liệu có chặn được thực phẩm bẩn sau khi Cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ra đời? Ảnh: L.N.

Hết “đá bóng” trách nhiệm

Bác sĩ Trần Văn Ký – phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN chia sẻ: “Tôi đã từng có thời gian học tập, làm việc, tham quan các mô hình kiểm nghiệm ATVSTP ở Mỹ, Đức và thấy rằng, ở các nước này đều có trung tâm kiểm nghiệm cho mỗi thành phố. Các trung tâm đều có đầy đủ máy móc, trang thiết bị hiện đại. Mỗi nước chỉ có một phòng kiểm chuẩn duy nhất được coi như cơ quan chuyên môn tin cậy xác nhận về độ an toàn của thực phẩm sau khi kiểm định”.

Theo ông Ký ở TPHCM hiện nay có nhiều phòng xét nghiệm, kiểm định về độ an toàn thực phẩm nhưng mạnh ai nấy làm, mỗi nơi làm mỗi kiểu và kết quả cũng khác nhau. “Việc TPHCM có chủ trương thành lập một cơ quan độc lập, chuyên nghiệp về quản lý ATVSTP là điều rất nên làm. Khi chúng ta tập trung việc quản lý ở một đầu mối thì quá trình kiểm tra, giám sát sẽ hiệu quả hơn” – bác sĩ Ký nói.

Theo đề án đang được xây dựng, cơ quan này ra đời, việc quản lý ATVSTP cũng sẽ không còn phân khúc, cắt khúc như lâu nay. Khi gia súc xuất chuồng, rau quả ra khỏi trang trại... trên đường lưu thông đến người tiêu dùng sẽ thuộc sự quản lý của cơ quan quản lý ATVSTP TPHCM. Ngoài ra, cơ quan này cũng sẽ thay cho Chi cục ATVSTP trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, tiếp nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, bác sĩ Ký cũng lo lắng trong quá trình vận hành của cơ quan này nhất là khi cán bộ quản lý hiện nay chỉ kiểm tra định kỳ, thụ động mà chưa chủ động.

“Phải chủ động lấy mẫu bất kỳ để kiểm tra chứ đừng đợi doanh nghiệp, cá nhân tự đưa mẫu đến. Vì nếu như thế sẽ xảy ra trường hợp họ chọn những mẫu tốt nhất đi kiểm định để được thông quan, cấp giấy lưu hành, sau đó lại đem trộn sản phẩm khi xuất ra thị trường”- ông Ký đề xuất.

Một giáo sư khoa Công nghệ thực phẩm trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cho rằng, việc thành lập cơ quan độc lập về ATVSTP cần phải có tính pháp lý và kỹ thuật tiên tiến hơn so với các trung tâm kiểm định đã và đang có tại TPHCM.

Hiện đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang thành lập các trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm ngay tại Việt Nam như tập đoàn TUV Nord của Đức để đảm bảo thực phẩm của họ. Do vậy, trung tâm kiểm nghiệm cần hoạt động có tổ chức, linh hoạt, tiếp thu cái mới và phát huy những cái đã có ở các trung tâm khác thì mới hiệu quả, đem lại niềm tin cho người dân.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng mô hình này ra đời cũng như FDA của Mỹ, tất cả những bất hợp lý trong quản lý an toàn thực phẩm đều được cơ quan này xử lý mà không phân cấp về cho các sở như hiện nay. “Thực tế, như hiện nay cả Sở Y tế, Công thương và NN&PTNT đều ngang nhau nên không ai chỉ đạo được ai, vì vậy trách nhiệm mỗi khi xảy ra sự cố đều lơ lửng hoặc bên này đẩy qua bên kia”, bác sĩ Bỉnh nói.

MỚI - NÓNG